Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng Luật phòng chống tác hại của rượu bia "có lẽ là dự luật mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất với 8 năm vận động, chuẩn bị và xây dựng. Nếu tính cả thời gian lên ý tưởng là hơn 10 năm".
Thời điểm bắt đầu xây dựng luật, tổng lượng bia tiêu thụ mỗi năm của người Việt chỉ có 2,7 triệu lít. Hiện nay lượng tiêu thụ đã lên 4,67 triệu lít, quá trình xây dựng luật vẫn chưa hoàn thành. Tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).
Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới, trong khi các nước đang giảm dần. Chưa kể, ước tính thị trường còn lưu hành ít nhất 350 triệu lít rượu thủ công, Việt Nam là một trong 12 nước vẫn còn cho phép dân tự nấu rượu.
Theo ông Quang, hiện một số nội dung trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều ý kiến đề xuất sửa tên thành Luật phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người. Một số ý kiến cho rằng không nên hạn chế quảng cáo, khuyến mãi đối với rượu bia dưới 15 độ cồn do chưa tương thích với luật Quảng cáo và Luật Thương mại.
"Dự thảo luật phòng chống rượu bia nếu bỏ các đề xuất kiểm soát đối với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi rượu bia thì nội dung không còn gì", ông Quang nói.
Ban đầu khi xây dựng dự thảo, Bộ Y tế đề xuất ba phương án bán rượu bia theo giờ. Theo đó phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hằng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch..
Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện 3 phương án này cũng không còn trong dự thảo do vấp phải nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Trước tình trạng xảy ra hàng loạt tai nạn thương tâm do tài xế sử dụng rượu bia, ngày 3/5 Bộ Y tế có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị được giữ nguyên tên Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Bộ cũng kiến nghị giữ nguyên các đề xuất quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mãi rượu, bia "do đây là nhóm đồ uống chứa cồn, được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư, tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể".
"Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất từ 20h đến 0h. Thái Lan, Singapore đều quy định giờ cấm uống rượu bia, vậy tại sao Việt Nam không áp dụng?", ông Quang đặt vấn đề.
Hiện có 17 nước cấm quảng cáo rượu bia trên toàn bộ phương tiện truyền thông, 83 quốc gia cấm một phần. Pháp cấm quảng cáo rượu bia có độ cồn từ 1,2% trên tivi, rạp chiếu phim; kiểm soát nghiêm ngặt nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông khác và phải có cảnh báo sức khỏe kèm theo; cấm tài trợ sự kiện văn hóa thể thao...
Trên 100 nước quy định về địa điểm cấm bán bia rượu, 123 quốc gia quy định về địa điểm cấm uống (nơi công cộng, công viên....). Khoảng 90 quốc gia quy định giờ bán lẻ đối với rượu mạnh, rượu nhẹ, bia. 123 nước quy định mật độ điểm bán, ví dụ Mỹ không cấp quá một giấy phép bán lẻ rượu bia trên một con phố.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan từ năm 2008 đã ban hành luật kiểm soát đồ uống có cồn, sau đó sửa đổi vào năm 2015. Nước này chỉ cho phép bán rượu bia từ 11h đến 14h và từ 17h đến 24h mỗi ngày. Nếu vi phạm, người bán bị phạt tù đến 6 tháng và/hoặc tối đa 10.000 bath. Nhờ vậy Thái Lan đã giảm 50% số vụ tai nạn giao thông, tiết kiệm hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả.
Singapore có luật về tiêu thụ và cung cấp bia rượu từ năm 2015.
Bộ Y tế Việt Nam cho rằng phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do việc sử dụng rượu bia.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương, 36 điều. Dự kiến dự thảo sẽ lần thứ hai trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5. |
Lê Nga (vnexpress.net)