Năm 2022, tác động từ tình hình thế giới đã khiến giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua trong nước và tăng chi phí sản xuất của DN. Trong khi đó, Việt Nam vừa bước qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang rất cần có thời cơ để tích lũy và phục hồi.
Chính sách không theo kịp diễn biến thị trường
Nổi lên nhất là vấn đề xăng dầu trong suốt trong gần 1 năm qua, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp chưa từng có, như có người vẫn nói đây là 1 năm hết sức “dị biệt” của thị trường xăng dầu. Giá xăng trong nước có lúc đã lên tới trên 32.000 đồng/lít, giá dầu diezen lại cao hơn giá xăng.
Thời điểm từ giữa quý III đến 2 tháng đầu quý IV, nguồn cung xăng dầu nhiều lúc khó khăn, dự trữ xăng dầu rất mỏng chỉ từ 5 - 7 ngày. Mặt khác chi phí vốn cho chuỗi kinh doanh xăng dầu không đủ, dẫn đến một số đơn vị mặc dù được cho là “làm ăn nghiêm túc” vẫn phải dừng nhập khẩu, tạm ngừng và ngừng bán ra vì thua lỗ khiến nguồn cung xăng dầu tại nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn, người tiêu dùng bức xúc…
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, thị trường xăng dầu nhiều thời điểm diễn biến rất phức tạp, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ. Giá dầu có lúc âm rồi có lúc vượt lên 150 USD/thùng nhưng lại có ngày tăng giá 10 USD/thùng. Trong khi đó, nhiều quyết định chính sách nhà nước không theo kịp diễn biến của thị trường xăng dầu dẫn đến tình trạng không phản ánh đủ giá vốn, DN chỉ cần nhập xăng dầu về đến cảng là đã bị lỗ.
Thị trường xăng dầu bất ổn là vậy, song về phía cơ quan điều hành thị trường xăng dầu - ở đây là liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn còn thiếu linh hoạt trong cơ chế điều hành. Việc phối hợp thiếu nhịp nhàng trong điều tiết nguồn cung; thiếu giám sát chỉ tiêu sản lượng của các DN đầu mối nhập khẩu; tính toán chi phí cho các DN chưa đúng, chưa đủ đã khiến thị trường vốn đã khác thường lại càng trở nên phức tạp.
Như kết quả thanh tra 11 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mới đây cho thấy, có trường hợp thương nhân đầu mối trong thời gian dài không không nhập khẩu xăng, hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương phân giao. Trong khi đó, phần lớn các thương nhân đầu mối bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối với sản lượng thấp hơn nhiều so với mức bình quân.
Một số thương nhân đầu mối chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân phân phối không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định…
Theo đơn vị thanh tra, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu đã chưa tham mưu đầy đủ với Lãnh đạo Bộ, để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.
Điều hành không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính
Đánh giá công tác điều hành thị trường xăng dầu năm qua, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường và dị thường chưa từng có như hiện nay, công tác điều hành của liên Bộ cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù những diễn biến thị trường nằm ngoài yếu tố chủ quan của cơ quan điều hành.
Tuy nhiên theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), ở góc độ khách quan, sự phối hợp của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua vẫn còn “lỏng lẻo”, chưa thật sự quyết liệt. Trong điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính nhưng trong đó từng Bộ, ngành chịu trách nhiệm những nội dung mà mình quản lý.
“Liên quan đến thuế và chi phí định mức, trên thực tế mặc dù Bộ Công Thương đã 4 lần đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này nhưng phối hợp chậm, để đến khi tình hình bùng lên quá căng Bộ Tài chính mới đồng ý tăng chi phí vận chuyển xăng dầu, chi phí định mức các DN. Trong công tác điều hành, nếu chỉ chú ý đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô, tránh biến động các yếu tố làm ảnh hưởng đến chỉ số giá và lạm phát cũng sẽ tạo ra sự bất lợi đối với các DN”, PGS. TS. Ngô Trí Long khuyến cáo.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước được phân công trong lĩnh vực này còn lúng túng bị động, có lúc chậm trễ trong việc giải quyết những kiến nghị về thiếu chiết khấu, chi phí kinh doanh nên đã tạo ra những tình hình không mong muốn trong việc cung ứng cho các DN và người tiêu dùng.
“Tuy giai đoạn khó khăn đã vượt qua và tình hình đã dần trở lại bình thường, song bài học quan trọng cần rút ra là không thể điều hành mặt hàng chiến lược này bằng mệnh lệnh hành chính. Bối cảnh thị trường xăng dầu còn nhiều phức tạp, phải sớm tập trung đầu mối quản lý, nâng mức dự trữ hợp lí đủ sức giải quyết những bất thường xảy ra, tiến tới phải từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường”, chuyên gia Vũ Vinh Phú thẳng thắn chỉ rõ.
Sớm đề xuất các giải pháp kịp thời
Tại cuộc họp tổng kết ngành Công Thương diễn ra mới đây, xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới với mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đặc biệt là sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề xuất các giải pháp kịp thời để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.../.