Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam của JLL cho biết, trong các tháng 7, 8 và 9, đợt dịch lần thứ tư đã tác động nặng nề đến việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp do nhiều tỉnh thành phong tỏa kéo dài. Các khu công nghiệp đang hoạt động cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ công tác chống dịch. Thị trường bị đóng băng khi không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực thuê đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.
Giá đất công nghiệp hãm đà tăng, duy trì ở mức 114 USD một m2 theo kỳ hạn thuê, còn giá nhà xưởng xây sẵn cho thuê đi ngang, neo ở mức 4,5 USD một m2 trong suốt những tháng diễn ra phong tỏa phòng chống dịch bệnh.
Số lượng dự án FDI đăng ký mới vào các khu công nghiệp ghi nhận xu hướng giảm, thị trường cũng ghi nhận một số doanh nghiệp sản xuất đã phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình. Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng hiện chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam.
Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: Quỳnh Trần
Thị trường dự báo chuyển biến tích cực hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, TP HCM cùng các thủ phủ công nghiệp lân cận mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Dù giãn cách xã hội nhiều tháng qua đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá có lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Nếu sớm kiểm soát được dịch bệnh, Việt nam vẫn có nhiều cơ hội hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo JLL, điều kiện để hồi phục thị trường bất động sản công nghiệp là các tỉnh khu vực phía Nam cần sớm mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới một cách đồng bộ, để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các thủ tục mở cửa lại nên được hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để chiến lược phục hồi được triển khai hiệu quả sau thời gian chống chọi với đại dịch.
Trung Tín (Vnexpress)