Ăn theo ngày Thứ sáu đen (Black Friday) có nguồn gốc tại Mỹ, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, các trang thương mại điện tử... tại Việt Nam cũng tổ chức các chương trình giảm giá với mức ưu đãi từ 20% đến 50%, thậm chí 90%. Chương trình khuyến mãi cũng không giới hạn vào 23/11 như "phiên bản gốc", mà còn áp dụng trước vài ngày, hoặc nhiều ngày sau đó.
So với những năm trước, nâng giá ảo không còn rầm rộ nhưng vẫn xuất hiện. Đối với các mặt hàng công nghệ, tình trạng này chủ yếu diễn ra trên các trang thương mại điện tử.
|
Một mẫu tai nghe bị nâng giá ảo lên 99 triệu đồng, sau đó "hạ giá" còn 9,9 triệu đồng. |
Đức Phước (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, anh đợi đến ngày 23/11 để mua thiết bị điện tử cho gia đình. "Năm trước, bạn tôi đã 'săn' được một số sản phẩm giá tốt, nên năm nay tôi cũng muốn thử vận may", anh Phước chia sẻ.
"Canh" từ lúc 0h, anh Phước ưng ý với mẫu TV Sharp 50 inch LC-50UA6800X có mức giảm lên tới 48%, từ 18,99 triệu đồng còn 9,79 triệu đồng. Anh nhanh chóng đặt mua vì sợ hết hàng, nhưng sau đó cẩn thận dùng một số công cụ so sánh giá trên mạng để kiểm tra. Kết quả, anh lập tức hủy đơn khi phát hiện giá đã giảm tương đồng với những cửa hàng khác, thậm chí đắt hơn vài trăm nghìn đồng.
Lê Vũ (quận 7, TP HCM) cũng rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi phát hiện tai nghe Sony MDR-1000X đang giảm giá lên tới 90%, từ 99 triệu đồng xuống còn 9,8 triệu đồng trên một trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, chị Vũ lập tức nghi ngờ bởi mức giá ban đầu của sản phẩm quá cao và tỷ lệ giảm quá lớn. Sau khi kiểm tra, chị mới biết đây là mẫu tai nghe ra mắt năm ngoái, đã ngừng bán ở hầu hết đại lý, chỉ còn xuất hiện tại một số cửa hàng nhỏ với giá 5,5 triệu - 9 triệu đồng.
Anh Phước và chị Vũ là hai trong số những người gặp phải trường hợp giá ảo. Thực tế, khi dạo một vòng quanh các website thương mại điện tử, dễ bắt gặp nhiều sản phẩm có "khuyến mãi" cao hơn giá bán thông thường. Các mặt hàng như điện thoại, TV, thiết bị âm thanh... là phổ biến nhất.
Theo một người từng làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử tại TP HCM, các chủ gian hàng tự ý nâng giá lên nhiều lần, sau đó dùng chiêu giảm giá hàng chục phần trăm để dụ khách. "Chiêu trò này không mới, nhưng vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác", chuyên gia này cho biết. "Nó không chỉ diễn ra ngày Black Friday mà còn vào dịp giữa hè hay cuối năm, lúc nhu cầu mua sắm tăng".
Bên cạnh đó, một số người dùng cũng cho biết họ không hài lòng với việc chi phí vận chuyển bị nâng lên, hoặc sản phẩm hết hàng chỉ sau vài giây mở bán.
Black Friday là dịp mua hàng giảm giá của không ít người. |
Theo chị Hoài Thanh, một người chuyên "săn" hàng giảm giá, người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi mua đồ ở các dịp khuyến mãi để tránh mắc bẫy. "Trước khi mua một mặt hàng, người mua cần đối chiếu giá đang bán với giá thị trường thông qua các công cụ tra cứu trên mạng, hoặc một cửa hàng cụ thể nào đó. Không nên quá chú tâm vào số phần trăm giảm bởi nó có thể không thật", chị Thanh khuyên.
Đối với các món hàng giảm giá quá nhiều, người dùng cũng nên cẩn thận bởi rất có thể chúng là hàng giả, nhái hoặc kém chất lượng. Trong trường hợp này, cần kiểm tra độ uy tín của gian hàng online, bình luận về sản phẩm và có tùy chọn cho phép xem trước khi nhận hàng.
"Tất nhiên, có rất nhiều sản phẩm giá tốt trong ngày Black Friday. Điều quan trọng là bạn phải thông minh để nhận biết chúng, sau đó nhanh tay để mua, bởi những người khác cũng nắm bắt cơ hội trong thời gian rất ngắn này", chị Thanh nói.
Bảo Lâm