Dự án khẳng định cam kết của VCF trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và xây dựng năng lực y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.
Ký kết diễn ra tại Đại sứ quán nước Cộng hòa Bulgaria ở Hà Nội. Thỏa thuận tài trợ được ký bởi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bungaria tại Việt Nam, bà Marinela Petkova đại diện cho Bộ Ngoại giao Bulgaria và ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation.
VinaCapital Foundation và ĐSQ nước Cộng hòa Bulgaria ký kết thỏa thuận tài trợ tại sự kiện.
Thỏa thuận tài trợ cho chương trình “Nâng niu Sự sống” của VCF có trị giá 62.572 BGN (tương đương hơn 830 triệu VNĐ), được cung cấp từ chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Bulgaria. Dự án sẽ được thực hiện trong 3 tháng, cung cấp 16 thiết bị chăm sóc trẻ sơ sinh cho 2 bệnh viện vùng sâu vùng xa ở Lai Châu. Trang thiết bị y tế bao gồm 2 máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị suy hô hấp cấp, 2 máy quang trị liệu cho bệnh vàng da sơ sinh, 2 máy đo oxy SPO2, 2 máy ủ ấm cho trẻ sơ sinh, 2 bộ đặt nội khí quản, 4 bơm tiêm và 4 bơm truyền dịch. Các thiết bị này sẽ giúp hoàn thiện đơn nguyên sơ sinh tại 2 bệnh viện ở các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số của tỉnh.
Bà Đại sứ Marinela Petkova và Ông Rad Kivette phát biểu tại sự kiện.
Lai Châu là một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, có hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại đây cao nhất trên cả nước, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 39,6 trẻ mất đi. Việc thiếu trang thiết bị y tế sơ sinh thiết yếu tại các bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh, đồng thời làm tăng tỷ lệ chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Kết hợp với những thách thức về địa lý, nghèo đói và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và mẹ sẽ vẫn ở mức cao. Những thiết bị và chương trình tập huấn được cung cấp sẽ đảm bảo giảm tỷ lệ tử vong và giúp các em bé lớn lên khỏe mạnh hơn.
Thông qua việc trang bị thiết bị chăm sóc sơ sinh cần thiết cùng với việc đào tạo về sử dụng trang thiết bị, các bác sĩ và y tá ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa như Lai Châu sẽ có thể thực hiện việc chăm sóc cơ bản và cấp cứu cho những em bé ngay từ khi mới lọt lòng. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, việc sử dụng thiết bị y tế sơ sinh có tác động lâm sàng lớn, bao gồm giảm 75% tỷ lệ tử vong do hội chứng suy hô hấp trong 24 giờ sau khi sử dụng máy CPAP.
Đại diện VinaCapital Foundation và đại diện ĐSQ nước Cộng hòa Bulgaria ký kết thỏa thuận tài trợ.
Đại sứ Marinela Petkova cho biết, việc hỗ trợ các lĩnh vực phát triển là một cấu phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bulgaria và thống nhất với các cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực ưu tiên của đất nước này. “Việt Nam là đối tác tin cậy của chúng tôi trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Bungaria, dựa trên quan hệ hợp tác song phương kéo dài hàng thập kỷ và quan hệ hữu nghị, tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau của hai nước”. Đại sứ Petkova chia sẻ: “Bên cạnh phần lớn các dự án được thực hiện ở Hà Nội, chúng tôi đã mở rộng phạm vi hướng tới các vùng nông thôn của Việt Nam nhằm hỗ trợ các chính sách của nước sở tại trong việc trao quyền cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng, giáo dục và cơ hội kinh doanh. Dự án “Nâng niu Sự sống” của VinaCapital Foundation đã được chọn trong số 37 bản đề xuất rất cạnh tranh để nhận khoản tài trợ của Bulgaria. Chúng tôi đã xem xét tác động tích cực có thể đo lường được của dự án đối với các cộng đồng ở tỉnh Lai Châu bằng cách trực tiếp góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, mang lại cải thiện toàn diện cho chất lượng cuộc sống của các gia đình trong khu vực. Việc cung cấp thiết bị cấp cứu sơ sinh và đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về cách vận hành máy móc hiệu quả càng giúp tôi tin tưởng vào thành công lâu dài của dự án. Là một người mẹ, tôi mong sẽ được đến Lai Châu để gặp trực tiếp những bà mẹ, các em bé, đội ngũ bác sĩ và y tá tại các bệnh viện địa phương để tìm hiểu nhu cầu của họ cũng như những câu chuyện thành công đầy cảm hứng.”
Ông Rad Kivette trao thư cảm ơn cho Bà Đại sứ Marinela Petkova - đại diện cho ĐSQ nước Cộng hòa Bulgaria.
“VinaCapital Foundation rất vinh dự được hợp tác với Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Bulgaria và chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Bulgaria để thực hiện cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn”, ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc của VinaCapital Foundation khẳng định. “Chương trình Nâng niu Sự sống được thiết kế nhằm đảm bảo rằng các bác sĩ và y tá có đủ năng lực và được trang bị các công cụ phù hợp để hỗ trợ trẻ sơ sinh và những người mẹ. Với sự hỗ trợ vô giá của nước Cộng hòa Bulgaria, dự án này sẽ bảo vệ trẻ em và các gia đình khỏi những nguy cơ tử vong có thể phòng tránh được và góp phần nuôi dưỡng các thế hệ mai sau khỏe mạnh hơn.”
Kể từ khi thành lập, chương trình Nâng niu Sự sống của VCF đã trao tặng 293 thiết bị chăm sóc sơ sinh cho các khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh của 53 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kon Tum, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi, điều trị cho 122.646 trẻ sơ sinh trong hơn 15 năm qua. Trước đó, tại tỉnh Lai Châu, VCF đã tổ chức 3 khóa đào tạo Nâng cao Năng lực Cấp cứu Nhi khoa cho 96 bác sĩ và y tá; tặng 9 xe đẩy đựng thiết bị cấp cứu cho 7 bệnh viện tuyến huyện và 1 bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2017; khám tim miễn phí cho 773 trẻ em và chẩn đoán 19 trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp y tế; và tài trợ cho 01 nữ sinh dân tộc thiểu số Lai Châu suất học bổng 7 năm cho cấp THPT và đại học.
Các khách mời chia sẻ tại sự kiện.
Được biết, chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Bulgaria là chương trình hỗ trợ phát triển và viện trợ nhân đạo là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Bulgaria, được thực hiện thông qua chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Các ưu tiên của chính sách này tuân thủ chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự 2030. ODA song phương của Bungari chủ yếu hướng tới các đối tác ở phía Tây vùng Balkan và Đông Âu nhưng cũng mở rộng sang châu Á. Phạm vi địa lý cũng được mở rộng trong chương trình trung hạn mới cho giai đoạn 2020-2024 bao gồm Trung Đông và Châu Phi cận Sahara.
Việt Nam là một trong ba đối tác ODA của Bungari ở châu Á và là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á từ năm 2015, dựa trên mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước. Đối với mỗi chu kỳ chương trình ODA hàng năm, Bộ Ngoại giao Bulgaria theo thông lệ sẽ chỉ phê duyệt một dự án để thực hiện tại Việt Nam.
Trong năm 2021, các ưu tiên trong việc tìm kiếm các dự án đề xuất là: Cung cấp giáo dục hòa nhập và chất lượng; Thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bao trùm; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tăng cường kết nối kinh tế và tạo điều kiện để phát triển kinh tế bền vững; hỗ trợ kinh doanh toàn diện và thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chuẩn của EU, bao gồm cả theo sáng kiến Nhóm Châu Âu.
Tính đến năm 2021, có tổng cộng 5 dự án ODA của Bulgaria đã và đang triển khai tại Việt Nam tập trung vào nhiều lĩnh vực: sử dụng năng lượng hiệu quả; giáo dục chất lượng và cải tiến các công cụ giáo dục; hỗ trợ môi trường học đường an toàn và lành mạnh; nông nghiệp bền vững và trao quyền cho phụ nữ.
Nguyễn Khanh (Doanh Nghiệp Và Tiếp Thị)
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, vui lòng liên hệ:
Ông Blagoy Prodanov – Bí thư thứ nhất, Cán sự Chính trị và Lãnh sự
Email: Blagoy.PRODANOV@mfa.bg
ĐT: (+84) 24 3845 2908