Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết cạo gió là dùng dụng cụ tác động lực liên tục trên da gây đau tại chỗ, lúc đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra chất giảm đau gọi là endorphins. Ngoài ra, tác dụng ấm nóng của tinh dầu có hiệu quả giãn cơ và mạch máu tại vùng đau nhức, khi tác động qua qua khứu giác có cảm giác êm dịu thần kinh.
Cạo gió hầu như không mang lại hiệu quả trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thoái hóa khớp. Phương pháp này chỉ giúp giảm đau trong một thời gian ngắn mà không thể điều trị triệt để bệnh, người bệnh sẽ bị đau lại.
Bác sĩ Nhân khuyên mọi người khi bị đau nhức nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán đúng bệnh. Trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng nội khoa, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau và các thuốc hỗ trợ phục hồi sụn khớp, tập thể thao và vật lý trị liệu. Tùy vào thể trạng, bác sĩ có thể chỉ định mổ nội soi, cắt lọc và ghép sụn xương tự thân, bơm tế bào gốc. Trường hợp nặng thì mổ thay khớp.
Bác sĩ Trịnh Liên Việt, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết trong y học cổ truyền, cạo gió có hiệu quả trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh... Trong trường hợp suy nhược do bệnh lý như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.
Lưu ý khi cạo gió
Mọi người nên cạo gió trong phòng, tránh gió. Không nên sử dụng dầu xoa có thành phần bạc hà vì chúng có tính chất bốc hơi nhanh sẽ gây cảm giác mát lạnh. Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng, tránh vùng cơ cổ và không cạo đến đỏ bầm
Không dùng vật sắc cạnh, cứng và tạo lực quá mạnh để cạo gió vì dễ gây tổn thương da, nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu thông qua vật dụng cạo. Mọi người tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi mòn đầu thì cắt ngang để tạo đầu mới. Gừng an toàn và tinh dầu chúng có tính ấm, nóng. Sau khi cạo gió xong, người bệnh nên giữ ấm cơ thể, ăn thêm một bát cháo hành để giải cảm.
Ngoài phương pháp cạo gió, thầy thuốc y học cổ truyền có thể sử dụng kỹ thuật xoa bóp, day, lăn, miết, bấm hoặc giác hơi lên vùng lưng trong những trường hợp bệnh lý tương tự.