Theo báo cáo mới nhật của “CBRE Hospitality Forum 2019 - Tiêu điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” ngày 14/11/2019 dẫn số liệu năm 2019 của Tổng cục Du lịch thì tính trong 9 tháng 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những cột mốc ấn tượng so với những mục tiêu đề ra trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" thông qua năm 2013. Tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2018, Việt Nam chào đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu 2019 (tăng 10,8% so với cùng kỳ 2018). Những quốc gia có lượng khách tăng trưởng tốt nhất trong 9 tháng đầu năm bao gồm Thái Lan (46%), Đài Loan (28%) và Hàn Quốc (23%), trong khi nguồn khách từ Trung Quốc tuy vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ đã chững lại đáng kể (chỉ 4% so với cùng kỳ). Xét về lưu lượng khách quốc tế, khách đến từ các quốc gia châu Á vẫn áp đảo với gần 79% tổng lượt khách trong 9T/2019, trong đó riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% tổng lượt khách.
Sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, luôn là một trong những mảng đầu tư được ưu tiên của Việt Nam, đã là tiền đề tạo sức bật cho nhiều thành phố du lịch trong giai đoạn vừa qua. Hai sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện tại là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đều có kế hoạch tăng cường lượng khách lên đến 50 triệu (đối với sân bay Nội Bài sau năm 2030 và đối với sân bay Tân Sơn Nhất sau năm 2025). Các dự án đầu tư trọng điểm trong những năm tiếp theo bao gồm: xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất; xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại các Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HKQT Vinh, Cảng HKQT Phú Bài; triển khai đầu tư các dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các Cảng hàng không có tần suất khai thác cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài.
Vào cuối Q3/2019, CBRE ước tính toàn quốc có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4-sao và 5-sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91,236 phòng. Trong giai đoạn 2015-Q3/2019, số lượng phòng của nhóm khách sạn 5-sao tăng mạnh ở mức trung bình 21% mỗi năm, trong khi nhóm khách sạn 4-sao chỉ tăng trung bình 9%. Dẫn đầu về nguồn cung phòng khách sạn cao cấp hiện là Đà Nẵng và Khánh Hòa (với khoảng 14 nghìn phòng ở mỗi địa phương, tốc độ tăng trưởng trên 19% mỗi năm trong giai đoạn 2015-Q3/2019): đây đều là hai thị trường nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam với lợi thế về khí hậu cũng như bờ biển dài và đẹp. Tiếp theo là TP.HCM và Hà Nội với nguồn cung khách sạn cao cấp lần lượt là 10,600 và 7,900 phòng, tuy nhiên tăng trưởng chỉ ở mức 2-4% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Phú Quốc là địa điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng nhất ở mức 36% mỗi năm, và hiện số phòng khách sạn cao cấp ở huyện đảo này đã gần bằng nguồn cung ở Hà Nội, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Xét về nhóm sản phẩm bất động sản du lịch bán bao gồm biệt thự du lịch và căn hộ du lịch, thị trường ở các thành phố du lịch trọng điểm đã chứng kiến sự giảm nhiệt đáng kể về nguồn cung mới từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, nguồn cung tích lũy biệt thự du lịch tại ba thị trường chính là Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm lần lượt là 2,6%, 0,9% và 7,3% trong giai đoạn 2017-Q3/2019 (so với mức tăng trung bình mỗi năm tương ứng trong giai đoạn 2015-2017 là 5,5%, 35% và 27%). Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung căn hộ du lịch cũng giảm mạnh trong giai đoạn sau 2017: ví dụ nguồn cung tại Khánh Hòa chỉ tăng trung bình 7%/năm so với mức 239%/năm trong 2 năm trước đó. Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý Cấp cao của CBRE Hotels Việt Nam, sự giảm nhiệt về phương diện nguồn cung mới này là cần thiết để thị trường có những bước điều chỉnh phù hợp sau giai đoạn tăng trưởng nóng, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý của các sản phẩm nghỉ dưỡng bán đang cần được cải thiện để bắt kịp với đà tăng trưởng của thị trường.
Bàn về những xu hướng cho giai đoạn tiếp theo của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường, cân nhắc cả những địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Nam Hội An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như đa dạng hóa loại hình sản phẩm và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành”.
Sự sụt giảm nguồn cung mới tại các thị trường truyền thống đi song song với việc mở rộng tại các thị trường mới nổi trong năm 2019, đặc biệt là những địa phương có kết nối thuận tiện với những thị trường trọng điểm như Bà Rịa-Vũng Tàu (gần TP.HCM), Quảng Nam (gần Đà Nẵng), Bình Thuận (4,5 tiếng lái xe từ TP.HCM), Hạ Long (2,5 tiếng lái xe từ Hà Nội, cải thiện đáng kể nhờ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long). Một số dự án nổi bật trong thời gian gần đây có thể kể đến Royal Park FLC Hạ Long, Malibu Hội An, NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm, v.v...
Bên cạnh việc mở rộng tại những vị trí địa lý mới, các chủ đầu tư còn tích cực trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch mới. Nổi bật hơn hết là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại thị trường Phú Quốc và Hạ Long. CBRE tính đến hết T9/2019, hai thị trường này lần lượt có trên dưới 2.000 sản phẩm thuộc loại hình shophouse/shopvilla ven biển, với mức tiêu thụ đạt gần 90%. Các chủ đầu tư sản phẩm này hiện đa số là những tên tuổi hàng đầu trên thị trường, giúp đảm bảo khả năng hấp thụ của các dự án hiện hữu. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel), nhờ đó đã thu hút nhiều đối tượng mua là những nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng. Một xu hướng nổi bật khác là sự quan tâm của các chủ đầu tư với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort). Đây là một loại hình mới và còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, khi dân số trung lưu tại Việt Nam được dự đoán tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng năm năm tới, và khách du lịch từ các quốc gia Bắc Á đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có sự kết hợp giữa du lịch và phục hồi sức khỏe.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm trong kế hoạch mở rộng của các tập đoàn quản lý khách sạn. Không chỉ các tập đoàn nước ngoài như Accor, Marriott, Best Western, mà cả những thương hiệu hình thành ở Việt Nam như Lodgis, Sailing Club, Silk Path, Wink cũng đang tích cực tìm kiếm dự án mới để mở rộng thị phần.
Theo nhận định của các chuyên gia tham gia trong sự kiện, xu hướng đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Nghiên cứu về các nhóm khách du lịch chỉ ra rằng phân khúc và mục đích du lịch khác nhau của các nhóm khách ảnh hưởng rất nhiều đến mô hình nghỉ dưỡng mà họ lựa chọn, do đó các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ về tệp khách hàng mục tiêu khi đưa ra các quyết định về thiết kế. Ngoài ra, ông Christian Low (Giám đốc Chiến lược khu vực của hãng kiến trúc SB Architects) đánh giá, để đảm bảo tính bền vững, thiết kế cho dự án nghỉ dưỡng cần có sự hòa hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa. Nhiều chủ đầu tư khách sạn cao cấp tại Việt Nam thường hay quên là khách quốc tế (đối tượng khách quan trọng của các dự án cao cấp) sẽ thích những thiết kế mới lạ nhưng vẫn đậm chất Việt Nam hơn là sự sao chép phong cách kiến trúc của những nước khác.
Tuy vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt như vấn đề xử lý chất thải, giám sát việc thực hiện quy hoạch để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững, cải thiện khung pháp lý của các sản phẩm mới nổi, khách tham dự Hội thảo cũng như các Tham luận viên tại CBRE Hospitality Forum 2019 đều đồng tình rằng triển vọng tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất khả quan khi thị trường du lịch Việt Nam ngày càng rút ngắn khoảng cách với những thị trường du lịch nổi bật tại ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Nguyễn Khanh (Kinh Doanh và Pháp Luật)