Thay vì ban hành vào tháng 5 như mọi năm, năm nay Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh được Chính phủ ban hành và thực hiện ngay từ ngày đầu năm mới 2019. Nghị quyết cũng được đổi thành Nghị quyết 02, thay vì Nghị quyết 19 như trước.
Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh năm nay nêu rõ từng phần việc phải làm của Việt Nam, như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hay đặt mục tiêu nâng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam... nhằm mục tiêu môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN.
Cụ thể, Chính phủ lên kế hoạch đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lên 15-20 bậc trong 3 năm nữa. Chỉ số xếp hạng đổi mới, sáng tạo quốc gia 5-7 bậc theo đánh giá của Wipo, riêng năm 2019 chỉ số này tăng 2-3 bậc.
Nâng chỉ số xếp hạng logistics theo đánh giá của WB tăng 5-10 bậc từ năm 2019-2021. Xếp hạng Chính phủ điện tử lên 10-15 bậc vào năm 2020.
Lắp ráp ôtô tại một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài. Ảnh: AFP
Thủ tướng yêu cầu, hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; chuyển sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn thông quan hàng hóa tại thị trường nội địa.
Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III. "Không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh", Nghị quyết của Chính phủ nêu.
Trước tháng 6/2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và công khai đầy đủ danh mục này.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ là cơ quan chủ trì, đánh giá mức độ thay đổi, tác động thực chất từ việc bỏ điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp. Báo cáo này phải hoàn thành và trình Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Một nhóm giải pháp khác là tiếp tục cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ cần hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trước tháng 6 và hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa trong năm 2019.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng trước quý III. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản.
Các bộ, cơ quan ban ngành cũng có nhiệm vụ khuyến khích người dân nhận lương hưu, trợ cấp, thanh toán tiền điện, học phí, viện phí, đóng phạt vi phạm hành chính qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Thông tin & Truyền thông khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp viễn thông trong khai thác băng tần 2.6GHz mạng 4G; hoàn thành xây dựng kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2025 trong quý I/2019.
Cùng với đó, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) một lần nữa lại được nhấn mạnh tại Nghị quyết lần này. Chính phủ xác định phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ các startup phát triển thị trường cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, làm "bà đỡ" cho các startup phát triển.
Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Anh Minh
(Theo vnexpress.net)