Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch, mua sắm hàng hóa dịch vụ của khách hàng tăng cao, trong đó rất nhiều giao dịch được thực hiện qua các kênh online của ngân hàng thương mại.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết tỉ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch. Lợi thế phát sinh trong nghịch cảnh chính là Covid-19 đã thúc đẩy tỉ lệ chấp nhận và sử dụng ngân hàng số gia tăng.
Nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR… Một số ngân hàng cũng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo.
Techcombank có thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2021
Số liệu từ nhiều ngân hàng cho thấy trong năm 2021, đã có thêm hàng triệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; sử dụng các kênh giao dịch, thanh toán online của ngân hàng dưới tác động của đại dịch và chuyển đổi số.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết trong năm 2021, ngân hàng đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân năm 2021 lần lượt tăng 70% và tăng 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), ứng dụng MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 320% so với năm 2020. Theo đại diện MBBank, đến nay giao dịch trên kênh số chiếm khoảng 92%, là tỉ trọng giao dịch số đứng trong nhóm đầu của châu Á. Trước đó ở hội nghị của ngân hàng này tổ chức hôm 7-1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá "hiếm có ngân hàng nào chuyển đổi số nhanh, tốc độ như MB".
Phó thống đốc cũng cho biết năm 2021, MB là ngân hàng phát sinh giao dịch lớn nhất trong hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 ở Việt Nam.
"Đặc biệt, tại MB, đánh giá hồ sơ tín dụng tự động hoàn toàn trên kênh số chiếm khoảng trên 30%, con số rất ấn tượng đối với một ngân hàng tại Việt Nam" – ông Dũng chia sẻ thêm.
ONEBANK của Nam A Bank cho phép nộp/rút tiền tới tất cả ngân hàng thương mại bằng QR Code theo tiêu chuẩn VIETQR
Trong dịp Tết Nguyên đán, dù các ngân hàng nghỉ làm việc nhưng khách hàng vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ, sản phẩm ngân hàng nhờ ứng dụng chuyển đổi số. Đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết Tết này hay bất cứ thời gian nào trong năm, khách hàng không chỉ giao dịch tài chính qua các ứng dụng online, ATM mà còn có thể đến điểm giao dịch tự động để thực hiện mọi giao dịch từ hệ sinh thái số ONEBANK.
"Hệ sinh thái số ONEBANK đáp ứng hầu hết nhu cầu giao dịch ngân hàng từ gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn, chuyển chứng từ tự động… Đặc biệt, khách hàng có thể nộp hay rút tiền từ tài khoản của tất cả ngân hàng Việt bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR" – đại diện Nam A Bank nói.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), số hoá toàn diện cũng tạo ra những bước tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng trong nhiều năm qua. Từ khoảng 1,7 triệu khách hàng năm 2017, TPBank đã đạt mốc 5 triệu vào cuối năm 2021 trong đó có hơn 2,4 triệu khách hàng thường xuyên trên các kênh giao dịch điện tử.
Còn tâm lý e ngại về an toàn trên không gian mạng
Ông Tim Evans cho rằng mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động. Vẫn còn tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng.
"Các ngân hàng cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng và thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay" - CEO của HSBC Việt Nam nói.