Chia sẻ tại hội thảo về sàn giao dịch, môi giới bất động sản vượt khó vì Covid-19, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, dù xác định sống chung với Covid-19 trong 2021, các doanh nghiệp vẫn không lường hết sự phức tạp của đợt dịch lần bốn.
Theo bà, vì giãn cách xã hội, các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư đều bị ngưng trệ, hoãn kế hoạch bởi đa số họ phải tổ chức các sự kiện bán hàng tập trung. Điều này đã khiến doanh thu của các chủ đầu tư bị ảnh hưởng nặng dù đã có kế hoạch thận trọng trước đó.
Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Doanh thu bị ảnh hưởng, nhưng dòng tiền để duy trì hoạt động (trả lương, chi phí điện nước, mặt bằng), tiền trả cho các nhà thầu, vận hành các dự án đã đi vào hoạt động, và lãi ngân hàng vẫn phải chi trả đều đặn "đúng ngày, đúng giờ".
"Đây là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp", bà Hương nói và nhấn mạnh dòng tiền không khác gì ôxi, giúp doanh nghiệp đảm bảo "sự sống". Do đó, bà lưu ý các doanh nghiệp cần phải tính toán các phương án liên quan đến dòng tiền, không chỉ trong ngắn hạn mà còn có phương án dự phòng dài hơi để giữ nguồn lực cơ bản, tái khởi động sau khi dịch bệnh qua đi.
Còn khảo sát mới nhất của hội trong 3 tháng gần đây cho thấy, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%; 30% có mức doanh thu từ 30-50%. Hai nhóm này đều có nguy cơ rất cao và cao ngưng hoạt động.Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản phụ trách khu vực các tỉnh phía nam cũng đồng tình với nhận định trên. Theo ông, trong giai đoạn dịch bệnh, 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó khăn phải cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động.
Theo ông, vì Covid-19, các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bị đảo lộn, đặc biệt với những đơn vị mới bắt đầu phát triển, mở rộng hệ thống. Việc giãn cách xã hội cũng khiến các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn phải chi trả các chi phí về vật chất, con người, lãi vay... trong khi doanh thu không đáng kể. Điều này khiến doanh nghiệp không trụ nổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp môi giới hiện cũng gặp vấn đề trong thu hồi công nợ bởi các chủ đầu tư gặp khó, liên luỵ đến các sàn.
Mặt khác, bà cũng lo lắng Covid-19 làm cho một lượng lớn công nhân phổ thông rời thành phố về quê, khiến thời điểm dịch qua đi, việc thi công trở lại sẽ gặp nhiều cản trở.Bên cạnh vấn đề về chi phí, dòng tiền, bà Hương cho biết các chủ đầu tư cũng đang đối mặt với khó khăn do các công trình thi công phải tạm ngưng do Covid-19. Những đợt dịch đầu tiên, doanh nghiệp cố gắng duy trì ở mức cơ bản, nhưng 2 tháng qua thì phải dừng hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà, cũng như tiến độ xây dựng dự án.
Tương tự với các sàn giao dịch, họ cũng có nỗi lo liên quan đến người lao động. Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group tỏ ra quan ngại các môi giới viên khó duy trì năng lượng trong thời gian dài. Khác với việc bán những món hàng khác, có thể xoay xở tiếp cận, thuyết phục khách hàng qua hình thức online, bất động sản là tài sản lớn, người mua không dễ đưa ra quyết định mà cần quan sát kỹ trong thực tế. Điều này dẫn đến cung ít, cầu nhiều nhưng thanh khoản không có.
"Nghề sale giống như đi câu cá, buông cần lâu quá do sàn đóng hay mãi không có cá cắn câu thì sẽ chán nản và đói. Kéo dài thì người môi giới sẽ rất dễ chuyển công ty hoặc bỏ nghề", ông Tuyển nói. Điều này trong dài hạn sẽ gây khó khăn cho các sàn giao dịch khi tái hoạt động, theo ông Phạm Lâm.
Để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, ông Lâm cho rằng cần giảm, giãn thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp), lãi vay để doanh nghiệp có thời gian ổn định lại tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong được tiếp cận nguồn vay với lãi suất ưu đã để chi trả các khoản cố định, đầu tư vào kinh doanh, sớm có doanh thu trở lại.
"Doanh nghiệp trong ngành bất động sản như đang nhiễm Covid-19, do vậy cần oxy là chính sách hỗ trợ để có thể vượt qua", ông Lâm nói.
Ngoài những đề xuất trên, bà Hương đề cập thêm về mong mỏi được Chính phủ gỡ nút thắt pháp lý. Theo bà, thị trường đã đối mặt với tình trạng lệch pha cung cầu kéo dài hơn 3 năm nay với nhiều kiến nghị từ các bộ ban ngành. Năm nay, doanh nghiệp hy vọng một số luật được điều chỉnh sẽ mở ra các cơ hội đầu tư nhiều dự án mới. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, việc thực thi đang bị chậm lại.
"Đây là yếu tố cơ bản, nền tảng vì sau đại dịch, các doanh nghiệp bị suy yếu đi nhiều, nên cần có những giải pháp tháo gỡ về thủ tục hành chính, pháp lý một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn mới giúp doanh nghiệp hồi phục thuận lợi", bà Hương nhấn mạnh.
Đức Minh (Vnexpress)