Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho thấy trong tháng 3 vừa qua, các thông tin tiêu cực trên không gian mạng có chiều hướng tăng so với tháng trước. Trong đó, tỉ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam chiếm 3,6%, tăng 0,2% so với tháng trước đó.
Đầy rẫy tin xấu, độc
Cuộc chạy đua mang đến nhiều trải nghiệm cho người dùng của các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube cũng đồng thời kéo theo nhiều mặt trái, đặc biệt là tình trạng "tin giả nhưng hiểm họa thật".
Cuối tháng 1 vừa qua, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Cà Mau đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lưu Bé Mạnh và ông Trịnh Văn Quốc (cùng trú tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi) vì cung cấp thông tin không đúng sự thật trên YouTube. Cụ thể, ông Quốc đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về việc "bé trai 17 tuổi bị chém chết dã man" để ông Mạnh đăng lên kênh YouTube "HÙNG MẠNH TV" nhằm mục đích "câu" view (lượt xem). Ngoài trường hợp này, không ít vụ việc "câu" view rẻ tiền bằng cách đăng các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm trên nền tảng YouTube cũng đã bị xử lý hành chính.
Theo Bộ TT-TT, trong tháng 3, các nền tảng xuyên biên giới tiếp tục gỡ bỏ hàng ngàn thông tin sai sự thật. Cụ thể, từ ngày 1-1 đến 21-3, mạng xã hội Facebook đã chặn, gỡ hơn 525 bài viết sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19; tỉ lệ gỡ, chặn đạt 90%. Google gỡ 2.679 video vi phạm pháp luật trên nền tảng YouTube với tỉ lệ gỡ, chặn đạt 93%. TikTok cũng đã chặn, gỡ 71 video vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19; tỉ lệ gỡ, chặn là 87%.
Theo Cục An toàn thông tin, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Trẻ em, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) rà soát, xử lý hơn 30 kênh, nhóm có nội dung độc hại đối với trẻ em, trong đó có những kênh có số lượng thành viên là trẻ em rất lớn, như: TimmyTV với gần 768.000 thành viên, Team2K9 có hơn 821.000 thành viên.
Phụ huynh cần giám sát hoạt động của con em trên mạng xã hội và kịp thời định hướng nội dung tiếp cận phù hợp.
Tăng trách nhiệm người dùng internet
Trong bối cảnh dịch Covid-19 buộc trẻ em phải học trực tuyến, việc kiểm soát an toàn thông tin, hạn chế trẻ tiếp xúc với các thông tin xấu, độc là vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng. "Con trai tôi mới học lớp 3 nhưng hầu như phải tự sử dụng máy tính để học online, gia đình không thể thường xuyên theo dõi. Trong khi đó, các trang mạng xã hội có nhiều nội dung độc hại, bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi...khiến tôi rất lo lắng và mong cơ quan quản lý có cách kiểm soát chặt chẽ hơn" - chị Nguyễn Hương Giang (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) bày tỏ.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng nếu người dùng không biết chọn lọc kênh tiếp nhận thông tin thì dễ dàng gặp các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát chặt nội dung được đăng tải và mạnh tay "dọn rác" trên môi trường mạng. "Bộ TT-TT với vai trò quản lý ngành đã cùng các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp làm sạch không gian mạng nhưng cần duy trì thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ hơn bởi các mạng xã hội không ngừng thay đổi cách tiếp cận người dùng. Cách quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng cần linh hoạt, bám sát thực tiễn. Đồng thời, hoàn thiện quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam" - luật sư Bình góp ý.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ, ông Đào Đức Tiến, Giám đốc phát triển Công ty CP Thương mại máy tính An Phát, cho rằng bên cạnh vai trò quản lý nhà nước, người dùng cũng cần chung tay làm sạch môi trường mạng thông qua việc nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, người dùng cần cảnh giác với các thông tin xấu độc; không lan truyền hay phổ biến những nội dung thiếu chính xác, không rõ nguồn. Đặc biệt, các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn đến hoạt động của con em trên mạng xã hội, định hướng cho con những nội dung phù hợp với lứa tuổi để có thể tiếp cận được thông tin hữu ích, tránh bị tấn công mạng.
Nhiều chuyên gia góp ý nên tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi phát tán thông tin độc hại, sai sự thật trên mạng xã hội để đạt hiệu quả răn đe.
Phổ biến bộ quy tắc ứng xử trên mạng
Bộ TT-TT cho biết đã giao các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội; xử lý, ngăn chặn, gỡ và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các thông tin nêu trên. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.
Đáng chú ý, Bộ TT-TT đang tích cực phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhằm hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn; giúp người dùng nhận biết và cảnh giác hơn với thông tin giả mạo...