Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay rất gần với Tết Dương lịch (chỉ cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết đã được các cấp ngành, DN tích cực triển khai từ sớm. Chủ trì Hội nghị liên ngành về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Bộ NN&PTNT, Ngân hàng, Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố và các DN, hiệp hội ngành hàng tăng cường các giải pháp đảm bảo cung - cầu hàng hoá, bình ổn thị trường - giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Thông tin từ các địa phương cho thấy, thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sẽ sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, DN gấp rút triển khai. Ước dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10%-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
“Đến tháng 11 tổng đàn lợn đã tăng khoảng 12,4%, gia cầm tăng 5,4%, bò tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 202. Ước tính đến hết tháng 12, sản lượng các loại thịt ước đạt khoảng 6,98 triệu tấn, tăng khoảng gần 4% so với năm 2021; Trứng khoảng 18,4 tỷ quả, tăng 4,6%. Để chủ động điều hành đảm bảo nguồn cung, Bộ NN&PTNT đã chủ động cập nhật thông tin diễn biến thị trường, giám sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu, hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản, gây biến động giá...”, ông Duy cho biết.
Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu hàng hoá dịp Tết tăng từ 10%-20% và có một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng khoảng 30%. Do vậy thành phố đã sớm ban hành kế hoạch để đảm bảo hàng Tết, trong đó, lượng hàng bình ổn thị trường đã được chuẩn bị từ tháng 5 và hiện đã có 32 DN đăng ký chương trình bình ổn với 12.000 điểm bán hàng...
Mặc dù khẳng định đã tính toán dự trữ trong thời gian 3 tháng đối với 11 mặt hàng thiết yếu, cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung hàng hoá cũng như đảm bảo hàng bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán, song theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, vẫn còn nhiều khó khăn tiềm ẩn.
“Sở đề nghị Bộ NN&PTNT không riêng dịp Tết, hàng tháng phải có tổng hợp tình hình cung ứng hàng hóa của các tỉnh, được thông báo công khai trên cổng thông tin của Bộ để các địa phương biết và chủ động phối hợp cung cấp nguồn hàng. Sở đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục điều tiết đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng cùng Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho các tỉnh, thành cân đối cung - cầu hàng hóa đầy đủ”, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị.
Ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, các DN, ngành hàng thời gian qua, đồng thời, xác định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời phải chú ý bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư - nguyên liệu, thiết yếu phục vụ sản xuất cả trước trong và sau Tết Nguyên đán; bảo đảm ổn định chất lượng và giá cả.
“Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú ý đến mặt hàng thịt lợn, thịt bò để phục vụ nhu cầu người dân cả trước, trong và sau Tết”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các NHTM tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi, để tạo điều kiện cho các DN tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường./.