Giá vàng hôm nay của thế giới tăng mạnh 40 USD để cán mức 1.990 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 4-4
Đầu ngày 4-4, giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.984 USD/ounce, tăng 34 USD so với mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch đêm qua là 1.950 USD/ounce.
Theo giới phân tích, giá vàng biến động mạnh khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (gọi tắt là OPEC +) cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Lập tức, giá dầu thô vọt lên 80 USD/thùng. Theo đó, thị trường cho rằng giá nhiều loại hàng hóa khác sẽ leo thang, làm cho lạm phát toàn cầu sẽ nóng lên, thúc đẩy nhiều người tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng để phòng ngừa rủi ro có thể đến từ lạm phát.
Dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa (Mỹ) chỉ ra các quỹ đầu tư vàng đã tăng vị thế mua thêm 5.440 hợp đồng, lên 130.530 hợp đồng; đồng thời vị thế bán giảm 12.491 hợp đồng, xuống còn 31.370 hợp đồng.
Trong khi đó, Mỹ công bố chỉ số phi sản xuất (PMI) - một chỉ số hỗn hợp, được tính toán như một chỉ báo kinh tế đối với lĩnh vực phi sản xuất - chỉ đạt 46,3 điểm, thấp hơn so với dự báo là 47,5 điểm.
Phản ứng thông tin này, giới đầu tư tài chính đã bán tháo "đồng bạc xanh" khiến USD giảm giá trên diện rộng, có lợi cho giá vàng hôm nay.
Mặt khác, thị trường bàn tán thông tin nhiều quốc gia tiếp tục mua vàng sau khi báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, Ngân hàng Trung ương Singapore vừa mua thêm 6,8 tấn, để nâng dự trữ vàng của quốc gia này lên 205 tấn.
Trước các thông tin trên, có lẽ giới đầu cơ kỳ vọng nắm giữ vàng sẽ thắng lớn. Thế nên, khi giá kim loại quý này rơi xuống vùng 1.950 USD/ounce, họ liền tăng sức mua.
Giá vàng hôm nay của thế giới tăng mạnh 40 USD để cán mức 1.990 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 4-4. Sau đó, giá vàng thế giới gần như đi ngang và đến 6 giờ cùng ngày tạm dừng tại 1.984 USD/ounce.
Trước đó, tại Việt Nam, do sức mua trong nước khởi sắc nên giá vàng SJC trong ngày 3-4 tăng 150.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 67,05 triệu đồng/lượng.