Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có cuộc khảo sát với 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng tại 63 tỉnh, thành phố.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng đã được dỡ bỏ, Chính phủ đã chuyển chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 từ trạng thái "Zero-Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", đã có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn rất nhiều khó khăn do thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, giá nguyên vật liệu tăng cao gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp do đã ký hợp đồng xây dựng tại thời điểm giá nguyên vật liệu chưa cao.
Theo khảo sát, có đến 51% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý 1/2022 so với quý 4/2021; gần 28% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và chỉ có 21,3% doanh nghiệp ngành xây dựng dự báo thuận lợi hơn.
Trong đó, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm sẽ tăng trong quý 1/2022 với tỷ lệ 52,8% doanh nghiệp đồng ý; 27,7% dự báo không đổi và 19,5% dự báo chi phí sản xuất giảm.
Cụ thể hơn, về chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp, có tới 54,1% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu tăng trong quý 1/2022 so với quý 4/2021; 27% doanh nghiệp dự báo không đổi và 18,9% dự báo giảm.
Chi phí nhân công trong quý 1/2022 so với quý 4/2021 cũng được 43,9% doanh nghiệp dự báo tăng; 36,8% doanh nghiệp dự báo không đổi và 19,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Để có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng đưa ra 5 kiến nghị.
Thứ nhất, có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng.
Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Thứ ba, tạo điều kiện đấu thầu mở rộng; đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước để các công trình không bị gián đoạn thi công.
Thứ tư, gia hạn kiểm tra thuế để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính công, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấy phép xây dựng để các công trình, dự án được thi công đúng tiến độ, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, doanh nghiệp hiện không chỉ gặp vấn đề về chi phí vật liệu xây dựng "leo thang", mà còn thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Nhiều công nhân đã tạm nghỉ việc và trở về quê nhưng nay chưa thể quay trở lại để tiếp tục công việc, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định việc tăng giá vật liệu xây dựng sẽ tác động lên giá thành nhà ở. Bởi công thức tính giá bán bao gồm tổng của 3 yếu tố: Giá thành xây dựng, chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng.
Trong đó, giá thành xây dựng bất động sản được cấu thành bởi 2 tiêu chí: chi phí về đất và chi phí về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với biệt thự. Chi phí xây dựng thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng bất động sản.
Mới đây, doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại một số tỉnh đã làm đơn xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ nhà ở xã hội do tác động từ lãi vay ngân hàng và giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt. Theo một công ty phát triển bất động sản, tính đến cuối năm 2021, nguồn cung vật liệu xây dựng đã tăng giá 25% trên tổng suất đầu tư.
TP.HCM kiểm soát nghiêm giá vật liệu xây dựng
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa có văn bản chỉ đạo về việc điều hành, quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Sở Xây dựng TP.HCM phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và tham mưu, đề xuất UBND thành phố quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng.
Sở Tài chính đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá mặt hàng xi măng và thép xây dựng. Các đơn vị kinh doanh phải niêm yết giá, công khai thông tin về giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật về giá.
Theo Mộc Minh (vneconomy.vn)