Giá xăng dầu trong nước hôm nay 15/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.990 | + 30 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.820 | + 30 |
Dầu diesel | 22.420 | + 1.810 |
Dầu hỏa | 21.880 | + 1.610 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 15/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 15/8 tiếp đà đi xuống từ phiên trước.
Hôm 14/8, giá xăng dầu thế giới quay đầu đi xuống sau tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h45' ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent về mức 86,39 USD/thùng, giảm 0,42 USD, tương đương 0,48% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,81 USD/thùng, giảm 0,38 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước.
Đến 20h20' ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 85,81 USD/thùng, giảm 1 USD, tương đương 1,15% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,11 USD/thùng, giảm 1,08 USD, tương đương 1,3% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu giảm do những lo ngại về đà phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc, triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ và đồng USD mạnh hơn, bất chấp nguồn cung thắt chặt trên thị trường.
Nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Việc này đã đẩy giá dầu thế giới đi xuống.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm còn do chịu tác động bởi triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 1,9% trong năm nay, tăng đáng kể so với mức 1,5% trong dự báo trước đó.
IEA cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 4/8, dự trữ dầu của Mỹ tăng 5,85 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 2,7 triệu thùng; dự trữ sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi giảm 1,7 triệu thùng.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Ngoài ra, giá dầu đi xuống còn do chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt) đang trên đà mạnh lên. Đồng bạc xanh mạnh hơn gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ khi giá hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, hạn chế nguồn cung của Saudi Arabia và Nga có thể làm giảm lượng dầu dự trữ trong phần còn lại của năm nay. Theo IEA, diễn biến đó có khả năng đẩy giá dầu lên cao.
Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng khoảng 0,5% trong tuần trước, thiết lập kỷ lục 7 tuần tăng liên tiếp kể cuối tháng 2 năm ngoái.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet