Trên thị trường thế giới, giá của 2 loại dầu thô phổ biến là dầu WTI và dầu Brent đang có dấu hiệu phục hồi.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h50' ngày 2/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 84,33 USD/thùng, tăng 0,02 USD, tương đương 0,02% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 77,73 USD/thùng, tăng 0,04 USD, tương đương 0,05% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng nhờ triển vọng tiêu thụ trên toàn cầu được cải thiện.
Đặc biệt, giá dầu phục hồi trước các tín hiệu lạc quan của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Theo số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 1/3, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của nước này vào tháng 2 đã tăng lên 52,6 điểm từ mức 50,1 điểm vào tháng 1.
PMI là một chỉ số hết sức quan trọng để đo lường sức khỏe của ngành sản xuất. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh làm tăng thêm hi vọng rằng sự phục hồi của nền kinh tế nước này có thể bù đắp cho sự suy giảm kinh tế toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Giới chuyên gia nhận định sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu dầu thế giới tăng thêm tới 1 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, trong đó giá dầu được hưởng lợi nhiều nhất.
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên còn bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung gia tăng. Nguồn cung dầu chịu sự tác động bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng của Nga vào tháng 3 để đáp trả phương Tây vì đã áp đặt giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của nước này.
Thông tin Nga có kế hoạch cắt giảm tới 25% sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này từ các cảng phía tây trong tháng 3 cũng tác động lên giá dầu.
Nguồn cung dầu ngày càng eo hẹp hơn khi các nhà sản xuất lớn trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện với các chuyên gia kinh tế mới đây cho thấy, hầu hết đều kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức cao nhất là 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế do các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng lãi suất mạnh hơn gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu cũng chịu sức ép sau khi báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng mạnh 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/2.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (3/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 1/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 120 đồng/lít, giá bán không quá 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 120 đồng/lít, giá bán xuống mức 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít, giá bán ở mức 20.250 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít, xuống mức 20.470 đồng/lít.
Theo Vietnamnet