Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề dạy thêm, học thêm và đưa hoạt động này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, điều này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống.
Định nghĩa “học thêm” và học thêm tại các nước
Ông Đặng Tự Ân cho biết, theo tổ chức UNESCO hoạt động dạy thêm, học thêm ở hệ thống trường công được gọi là “Giáo dục ngoài luồng (Shadow Education). Bản chất của giáo dục ngoài luồng là “chỉ việc phụ đạo cho các môn học chính, có thu phí và được tổ chức ngoài giờ học chính khóa tiêu chuẩn của Nhà nước”.
Học thêm có một lịch sử lâu dài tại khu vực châu Á và ngày càng gia tăng. Ngay từ năm 1943 đã có hình thức giáo dục này ở Sri Lanka. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Chính phủ rất quan tâm, đầu tư nghiên cứu về học thêm để từ đó đưa ra nhiều chính sách phù hợp và được áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Qua kết quả khảo sát mẫu ở nhiều trường phổ thông của 32 nước cho thấy, tỷ lệ học sinh học thêm là khá cao, ví dụ: Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học, 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT; tỉ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan có 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ có 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore có 97% học sinh phổ thông.
“Các dữ liệu thống kê nêu trên, mặc dù không được bảo đảm độ chuẩn xác như dữ liệu về hệ thống trường học chính khóa, tuy nhiên cũng cho ta thấy một bức tranh phác thảo học thêm khu vực châu Á. Số tiền chi cho học thêm là rất lớn. Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho học thêm khoảng 17,3 tỷ USD/năm, tương đương 80% chi tiêu của chính phủ cho giáo dục công; còn tại Nhật Bản là 12 tỷ USD/năm, tại Singapore là 680 triệu USD/năm…”, ông Ân cho biết.
Theo Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, việc nở rộ hoạt động học thêm có tác động mạnh về phân tầng xã hội và tạo ra sự bất bình đẳng lớn: “Giáo viên dạy thêm có thu nhập cao hơn nhiều giáo viên không dạy. Hộ gia đình giàu có, có điều kiện cho con đi học, trong khi hộ nghèo và khó khăn không đủ tiền đóng học phí học thêm cho con. học thêm thực sự là gánh nặng tài chính, đáng lẽ không đáng có. Thanh thiếu niên bị tạo thêm áp lực khi phải tham gia học thêm”.
Học thêm ở Việt Nam
Ông Đặng Tự Ân đánh giá, tại Việt Nam, hoạt động dạy thêm, học thêm cũng không khác nhiều so với các nước khác ở châu Á. Những vấn đề thuộc về bản chất, nguyên nhân, nhận định mặt tốt và chưa tốt của học thêm ở Việt Nam, có nhiều điểm tương đồng như các nước trong khu vực.
Một số giáo viên “dạy trước” khiến cho việc giảng dạy chính khóa gặp khó khăn do trình độ học sinh không đồng đều. Gần đây Internet cũng trở thành phương tiện sử dụng hiệu quả trong dạy thêm và góp phần thúc đẩy học thêm phát triển ngày càng mạnh mẽ.
“Học thêm nhiều nhất là các môn được coi là cần thiết để tiếp tục học cao hơn hay cho thi chuyển cấp, như Toán, Ngữ văn hay Ngoại ngữ. Ngoài bám theo trực tiếp các môn học ở trường, các lớp học thêm thường bổ trợ các môn học chính khóa theo nhiều cách khác nhau. Dạy theo giáo án riêng cho nhóm nhỏ, nhóm lớn và cả hình thức một kèm một. Đôi khi dạy nâng cao, mở rộng giáo án dạy chính khóa”, ông Ân đánh giá.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), tiêu cực của hoạt động học thêm ở Việt Nam và các nước trong khu vực là rất lớn và đã để lại hậu quả năng nề, nguy cơ trở thành bệnh nay y khó chữa. Học thêm thu phí biến học sinh thành “khách hàng”; Tôn sự trọng đạo, quan hệ trong sáng thày trò có từ xa xưa bị xói mòn, hình ảnh đẹp của thày cô biến thành “xấu xí”; Áp lực lên người học tới mức trầm cảm do học thêm quá nhiều; Học thêm trở thành gánh nặng của nhiều gia đình có đông con đang tuổi đi học. Lớp trẻ sợ sinh con vì áp lực kinh tế nuôi con và chi phí ăn học; Xã hội nhìn nhận hoạt động dạy thêm, học thêm với con mắt khác, không phải nghề đòi hỏi sự tận tâm mà đã biến thành nghề tìm kiếm lợi nhuận...
“Giáo dục thế giới đã đồng thuận học thêm là sự tồn tại khách quan, là một hiện tượng xã hội, không tự mất đi và cũng không thể cấm hoạt động. Điều đó được hiểu là học thêm như “cái bóng”, song hành của giáo dục chính khóa trong các nhà trường. Tuy nhiên, học thêm là một lĩnh vực phức tạp, nhưng vẫn có thể tìm ra cách quản lý phù hợp, hiệu quả hơn và “cái bóng” sẽ thu nhỏ hoặc bị triệt tiêu”, ông Ân nói.
Đưa hoạt động dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện, liệu có khả thi?
Ông Đặng Tự Ân cho rằng, đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống: “Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa, sản phẩm nhà trường chưa phải là hàng hóa vô hồn. Nhà trường, thày cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán, đổi trác, sòng phẳng thông qua đồng tiền. Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Theo ông Ân, chương trình GDPT 2018 định hướng tới phát triển năng lực học sinh, đưa kiến thức vào SGK đảm bảo cơ bản vừa đủ, dạy học sinh cách học và học thông qua thực hành. Ngoài ra tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Do đó, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, học sinh không phải “học thêm” mà chính là cần “làm thêm”, “trải nghiệm thêm”.
“Bậc tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày, tuyệt đối không học thêm. Hết buổi học học sinh về nhà nghỉ ngơi và dành ít thời gian đọc bài, ôn bài cũ và chỉ làm bài tập nhưng không bằng hình thức viết. Học sinh phổ thông, những nơi chưa học được cả ngày cần chuyển đổi mục đích học thêm từ tập trung cho học thuật, kiến thức sang tăng cường rèn luyện thể chất, bồi dưỡng nghệ thuật và khoa học công nghệ cho những học sinh có nhu cầu. Thành lập các câu lạc bộ dựa theo cấu trúc tổ hợp tự chọn và khối thi vào đại học cho học sinh THPT”, ông Ân cho biết.
Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam nêu giải pháp để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm là cần nhanh chóng nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp như Nghị quyết 29/TW, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng. Từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.../.