Bước sang năm 2022, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đồng thời việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương.
Dòng vốn đầu tư "đổ" mạnh về bất động sản
Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dòng vốn đầu tư cá nhân đang không có nhiều sự lựa chọn về các kênh đầu tư và cũng không có nhiều cơ hội đầu tư rõ rệt.
Trong khi đó, ngoài mối quan ngại liên quan đến vấn đề Fed tăng lãi suất thì hiện tại, sự bất định của thế giới xoay quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng sẽ khiến cho những loại tài sản khác bị ảnh hưởng rất mạnh.
Sự rung lắc về thị trường tài chính sẽ khiến các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các tài sản trú ẩn, có thể tránh được các vấn đề về lạm phát, giá dầu leo thang,...
"Do đó, tôi cho rằng, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản năm nay sẽ tiếp tục dồi dào, thậm chí là tốt hơn so với những năm trước", ông Nguyễn Quốc Anh dự đoán.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định tích cực về khả năng thu hút đầu tư của thị trường bất động sản 2022. Lĩnh vực này được dự báo trở thành "vùng trũng" hút dòng tiền đầu tư. Nhiều người tin tưởng bất động sản vẫn là kênh giữ tiền, tránh lạm phát và mất giá.
Đáng chú ý, mở cửa du lịch đang tạo thêm đà tăng trưởng cho thị trường địa ốc. Trong đó, phân khúc bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng đầu tư năm 2022.
Giá biệt thự nghỉ dưỡng tăng 7-10%
Theo báo cáo thị trường bất động sản Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng của DKRA Việt Nam, năm 2021 dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá chào bán biệt thự nghỉ dưỡng trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư tung hàng lần đầu) tại các tỉnh này đã tiến dần đến ngưỡng vài triệu USD một sản phẩm.
Rổ hàng biệt thự ven biển Thừa Thiên Huế ghi nhận sản phẩm mới giá 73 tỷ đồng một căn, là mức cao nhất trong 3 tỉnh miền Trung được khảo sát đồng thời tăng giá nhiều nhất (7-10% trong năm qua).
Giá bán biệt thự nghỉ dưỡng tại Quảng Nam, Đà Nẵng lần lượt ghi nhận mức cao nhất 40-50 tỷ đồng một căn. Trong khi đó, các căn biệt thự biển có giá bán thấp nhất 3 tỉnh này dao động 9-12 tỷ đồng một căn.
Tuy nguồn cung mới biệt thự ven biển tại Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng ghi nhận mức giá trần chạm ngưỡng 2-3 triệu USD một căn, thanh khoản của thị trường sơ cấp vẫn khá khiêm tốn. Tại Huế, sức tiêu thụ chỉ đạt 20% rổ hàng trong khi tại Quảng Nam sức hấp thụ chưa đến 25%. Thị trường này ghi nhận các chủ đầu tư áp dụng các chương trình cam kết lợi nhuận và chia sẻ lợi nhuận đối với khách mua sản phẩm.
DKRA dự báo năm 2022 thị trường biệt thự nghỉ dưỡng tại 3 tỉnh miền Trung này có thể đạt nguồn cung 1.150 căn, shophouse biển dự kiến tung ra 800 sản phẩm mới. Nếu sự phục hồi của thị trường du lịch nghỉ dưỡng ở mức khả quan, nhiều khả năng nhu cầu đầu tư vào các tài sản liền thổ tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung này có thể tăng lên nhưng khó đạt được ngưỡng tăng trưởng cao như giai đoạn hoàng kim 2026-2019.
Động lực phát triển cho thị trường Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, khu vực miền Trung đang có nhiều chương trình liên kết vùng để phát triển du lịch, kinh tế nên sẽ kéo theo thị trường bất động sản “nóng” lên.
Dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.
Trong đó, Đà Nẵng vẫn còn dư địa để thu hút đầu tư. Những năm gần đây địa phương này luôn hướng đến mục tiêu xây dựng trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. TP Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa theo 3 trụ cột chính gồm: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển...
Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.
Khác với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế với định hướng đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng. Theo đó, Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển bất động sản để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.
Về phía Đà Nẵng và Quảng Nam, 2 địa phương cũng bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An,… Là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An, việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả 2 thị trường.
Theo Phong Linh (doanhnghieptiepthi.vn)