Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25 điểm % với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng từ 17/3. Đồng thời, một số loại lãi suất điều hành khác cũng giảm 0,5 đến một điểm %.
Đây là lần đầu kể từ tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành. Động thái này được ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho rằng phù hợp với diễn biến quốc tế. Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về 0-0,25% mỗi năm chỉ trong vòng hai tuần, nhiều ngân hàng trung ương đã có động thái tương tự.
"Hiện áp lực lạm phát cũng giảm bớt do giá dầu giảm mạnh, đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước được củng cố vững chắc trong những năm qua", ông Hà nói.
Theo ông, việc giảm lãi suất điều hành là để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ rằng Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng nếu họ cần tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tạo điều kiện cho các nhà băng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn. Qua đó, tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng.
Trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo đến ngân hàng thương mại trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Đây là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kinh doanh gặp khó khăn do suy giảm doanh thu, rất cần được tháo gỡ kịp thời.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhìn nhận, lãi suất điều hành đã neo quá lâu và nay điều chỉnh giảm là phù hợp với diễn biến hạ lãi suất của ngân hàng trung ương các nước cũng như tình hình kiểm soát lạm phát trong nước.
Theo phân tích của ông Tín, 2 tháng đầu năm, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với lạm phát, tỷ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác.
"Ngoài ra, việc giảm lãi suất từ nhà điều hành còn nhằm mục đích hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tốt hơn để tạo điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp", ông Tín nói. Ông hy vọng, nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh.
Điều này cũng được lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận động thái giảm một loạt lãi suất điều hành cộng với hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sẽ giúp họ giảm chi phí đầu vào. Lãnh đạo HD Bank cho hay, nhà băng ông có điều kiện cân đối nguồn vốn huy động với kỳ hạn dài hơn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn tốt hơn cho khách hàng một cách đồng bộ và bền vững.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn nghi ngại động thái này khi cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ hạ lãi suất lúc này chưa thể hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế trong bối cảnh đang chịu những cú sốc ngắn hạn. Điều mà người dân và doanh nghiệp cần nhất chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất sẽ cần có độ trễ nhất định.
Thanh Lê (Vnexpress)