Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay muốn có thuốc hiếm phải nhập khẩu vì Việt Nam không sản xuất được. Thuốc hiếm cũng có nhiều loại, đặc trị nhiều bệnh khác nhau. Riêng thuốc BAT dùng giải ngộ độc tố botulinum là thuốc cực hiếm, hiện chỉ sản xuất ở Canada.

"Trước đây, mỗi lọ thuốc có giá dao động từ 7.000-10.000 USD. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tìm nhập nguồn thuốc hiếm, kiếm được nguồn nào bán thì nộp hồ sơ, chưa nói trước được. Được biết Bộ Y tế đã có chủ trương dự trữ nguồn thuốc hiếm giải độc này, song tiến độ cần xúc tiến nhanh hơn" - dược sĩ Bình thông tin.

Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc hiếm

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc giải độc đang bị thiếu bởi các thuốc này thường thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Thuốc này cũng không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới mặc dù hiệu quả rất tốt. Nhiều cơ sở y tế đang thiếu thuốc giải độc thuộc nhóm thuốc hiếm như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia; thuốc giải độc cho người bị ngộ độc botulinum, asen, thủy ngân... Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị dài hơn và hiệu quả không cao.

Lý giải về tình trạng khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đối với một số thuốc hiếm, Bộ Y tế cho biết hiện việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu vì phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời).

Năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có. Để bảo đảm nguồn cung, Bộ Y tế ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định; cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; cho phép chuyển nhượng các thuốc hiếm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. 

Nên có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm

Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, hiện nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia và bệnh viện cũng đã đề nghị cần cấp bách có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia. Trung tâm lưu trữ này sẽ do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả địa phương khi cần. Trong đó, cần lưu trữ sẵn các loại thuốc hiếm như BAT, thuốc giải độc rắn...

Đồng quan điểm, BS chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, phân tích: "Không phải bệnh viện nào cũng lưu trữ được thuốc hiếm vì ít khi phải sử dụng, lại giá trị rất lớn, đắt đỏ, nếu lưu trữ lâu không dùng sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Do vậy, việc thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia là rất cấp thiết".

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG/NLĐ