Mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết.CTCP Chứng khoán SSI kỳ vọng, NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay.
Gửi tiền ở ngân hàng nào có lợi nhất?
Lãi suất tiết kiệm tại VPBank kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng khoảng 0,3 - 0,7%/năm so với trước đây, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng khoảng 0,7 - 0,8%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn khi gửi tại quầy khoảng 0,2 - 0,3%/năm. Nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2-12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1-6,2%/năm.
Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2/2022. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm, tăng 0,4%/năm so với tháng trước.
Ngân hàng có mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay là Nam A Bank. Cụ thể, ngân hàng này áp mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng kể từ tháng 1/2022. Nam A Bank còn triển khai Chương trình "Xuân sum vầy - Tết đủ đầy", với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng từ nay đến hết ngày 14/4/2022.
Mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay.
Tại BacA Bank, lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn 1-3 tháng ghi nhận tăng 0,1%/năm so với trước, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm. DongA Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1-0,2%/năm tại hầu hết kỳ hạn.
Từ nay đến hết ngày 31/3/2022, sau khi mở sổ tiết kiệm thành công tại OCB, khách hàng sẽ nhận được ngay quà tặng tiền mặt lên đến 700.000 đồng. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay.
Ngân hàng có tăng lãi suất cho vay?
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng sẽ tác động lên chi phí của ngân hàng, nhưng ngân hàng luôn đặt an toàn lên hàng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nên sẽ khó đẩy lãi vay tăng. Lãi suất cho vay ở mặt bằng thấp thì chi phí tài chính của doanh nghiệp thấp hơn, hoạt động thuận lợi hơn, từ đó khả năng trả nợ cho ngân hàng cũng tốt hơn.
Chuyên gia tài chính - kinh tế ông Huỳnh Bửu Sơn cũng đánh giá, lãi suất tiền gửi tiết kiệm khó tránh tăng trở lại do đã giảm mạnh trong thời gian qua và tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng chậm lại. Nhưng nếu mặt bằng lãi suất cho vay tăng trở lại, sẽ gây cản trở doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định hiện nay. Vì thế, chính sách tiền tệ đang hướng về hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022.
Trong phiên giải trình tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất là vấn đề doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành ngân hàng cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, thì yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là một vấn đề thật sự khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi, Chính phủ đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm lãi suất trong 2 năm.
CTCP Chứng khoán SSI kỳ vọng, NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm. Trong khi đó, các chuyên gia của CTCP khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Theo Báo Đầu Tư