hế hệ Lancer Evolution (hay còn gọi Evo) đầu tiên ra mắt công chúng năm 1992 dựa trên nền tảng của chiếc Lancer tiêu chuẩn thời bấy giờ. Mục tiêu của Mitsubishi là tạo ra một chiếc sedan có khả năng vận hành kiểu thể thao hiệu năng cao đồng thời vẫn phải đảm bảo độ bền bỉ của động cơ, giống như cách sau này người đồng hương Honda làm với chiếc Civic Type R.
Ngay từ đầu, hãng xe có logo 3 viên kim cương đã quyết liệt biến Evo trở thành kẻ dẫn đầu. Thông số kỹ thuật gồm động cơ bốn xi-lanh thẳng hàng 2 lít tăng áp, cam kép lấy từ nguyên mẫu chiếc Galant VR-4, hộp số sàn 5 cấp, hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, công suất 244 mã lực. Tổ hợp cơ khí ấy kết hợp đẩy Evo lên 228 km/h.
Mitsubishi Lancer 1992. Ảnh: Car Throttle
Cũng cùng năm 1992, bên kia chiến tuyến, Subaru tung ra Impreza, sau này còn được gọi là WRX làm đối trọng. Kể từ đó, cuộc đối đầu giữa Evo và WRX nổ ra khắp nơi, châm ngòi cho những tranh cãi như xe nào nhanh hơn, xe nào hiệu quả hơn. Câu trả lời có lẽ chưa bao giờ ngã ngũ, nhưng vinh quang trong quá khứ thì đang nghiêng về Evo nhiều hơn.
Liên tục bốn năm từ 1996-1999, Evo là nhà vô địch của giải đua đường trường khắc nghiệt bậc nhất hành tinh World Rally Championship (WRC) cùng tay lái người Phần Lan Tommi Antero Mäkinen. Trớ trêu thay, ngay trước đó một năm chiến thắng thuộc về Impreza (WRX) để rồi phải mất tới nửa thập kỷ sau, WRX mới có các chức vô địch tiếp theo vào năm 2001 và 2003.
Bước ra khỏi những cuộc đua với tâm thế của nhà vô địch, những chiếc xe JDM đều tìm tới chân trời nước Mỹ.
JDM (viết tắt của cụm từ Japanese Domestic Market) đại diện cho những chiếc xe hiệu năng cao với định hướng ban đầu chỉ dành cho thị trường nội địa Nhật Bản. Vì sao lại như vậy?
Thập niên 80, 90 chứng kiến sức mạnh nền kinh tế đáng ngưỡng mộ của Nhật Bản, các công ty, tập đoàn đa quốc gia của họ ở vị thế là người dẫn đầu trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Điều này cho phép người dân lựa chọn những sản phẩm mà các hãng thiết lập những tiêu chuẩn đặc biệt dành riêng cho nước Nhật và phần còn lại của thế giới. Chính những chiếc JDM là điển hình của hình mẫu vừa kiêu hãnh vừa bảo thủ đó.
Chỉ tới khi một thị trường nội địa khắt khe nhưng nhỏ bé không còn nhiều dư địa và hấp lực cho những đế chế công nghiệp ôtô khổng lồ vùng vẫy, những cánh chim JDM đầu đàn như Evo hay WRX mới bắt đầu hành trình vượt biển lớn sang bên kia bờ đại dương.
Evo đời 2003, phiên bản đầu tiên tới Mỹ. Ảnh: CarandDriver
Thực tế sau khi chứng kiến thành công của Subaru khi mang WRX tới nước Mỹ trước đó, Mitsubishi mới rục rịch sẵn sàng làm điều tương tự đối với Evo. Năm 2003, chiếc Evo đầu tiên xuất sang xứ sở cờ hoa, đánh dấu kỷ nguyên chinh phục thị trường năng động nhất thế giới. Trong 3 năm đầu tiên, 12.846 chiếc Evo thuộc thế hệ thứ 8 rời khỏi dây chuyền sản xuất tới tay khách Mỹ. Công suất mẫu xe thể thao lúc này đã lên tới 405 mã lực và mô-men xoắn cực đại 481 Nm.
Nhưng thành công đó đã không kéo dài lâu.
Trong khi Subaru luôn duy trì triết lý ghim vào tâm trí khách hàng những chiếc xe thuần chất thể thao thì những chiến lược marketing của Mitsubishi trở nên dàn trải và không mang giá trị cốt lõi. Trong nhiều năm liền, doanh số toàn cầu của hãng loanh quanh mốc hơn 1 triệu xe bán ra mỗi năm, bằng 1/9 so với người dẫn đầu Toyota ở mọi thời điểm.
Mitsubishi đã không đủ nhanh nhạy để làm mới mình ở tất cả các phân khúc họ tham gia. Mẫu xe nền tảng của Evo là Lancer nguyên bản dần chứng kiến sự hụt hơi trước những đối thủ quá lớn để vượt qua như Corolla hay Civic. Không chỉ có Lancer, mọi mẫu xe của Mitsubishi trong 15 năm đầu của thế kỷ 21 bỗng trở nên già cỗi, lu mờ trong con sóng đổi thay nhanh chóng của toàn ngành công nghiệp, mặc cho những giá trị làm nên tên tuổi của hãng vẫn còn đó: sự bền bỉ và khả năng vận hành nhiều cảm xúc.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Don Swearingen – phó chủ tịch Mitsubishi Mỹ từng chia sẻ với tờ Torquenews: "Kỷ nguyên của Evo là một bình minh rực rỡ cho Mitsubishi, nhưng tiếc thay ở cuối ngày vinh quang đó, chúng tôi chỉ còn bán được 200 chiếc mỗi tháng".
Xe thể thao hiệu suất cao là một phân nhánh ngốn nhiều tiền của mọi hãng xe bình dân trên thế giới, nhưng trớ trêu là chúng lại chưa bao giờ mang lại đóng góp gì đáng kể trong khoản lợi nhuận hàng năm mà họ thu được.
Evo Final Edition. Ảnh: WhichCar
Tokyo, tháng 10/2015, Mitsubishi Motors Corporation (MMC) thông báo ngừng dây chuyền sản xuất Lancer Evolution để chuyển dịch toàn bộ chiến lược mới sang các mẫu xe đa dụng gầm cao và xe thân thiện môi trường, phù hợp hơn với thị hiếu của khách hàng trên quy mô toàn cầu. Phiên bản kỷ niệm thuộc thế hệ thứ 10 được tung ra gửi lời chào tạm biệt tới người hâm mộ: Lancer Evolution Final Edition, giới hạn ở mức 1.600 chiếc, giá bán 38.000 USD.
Tháng 5/2016, chiếc Evo phiên bản Final Edition cuối cùng lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất ở nhà máy Mizushima, kết thúc chặng đường 24 năm vinh quang của mẫu sedan thể thao Nhật Bản.
Ba năm kể từ lúc thế giới tạm biệt huyền thoại, chính Mitsubishi Motors cũng đã hoàn toàn rũ bỏ xong giai đoạn trì trệ một thời. Lầm lũi đi lên từ vũng bùn lầy của gian lận khí thải năm 2016, cuộc cách mạng trong ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield và sự chuyển đổi nhanh chóng sang xe gầm cao và thân thiện môi trường đã cứu rỗi hãng xe Nhật Bản.
Trong một tia hy vọng mong manh, các fan có quyền mong chờ sự trở lại của thế hệ Evolution hoàn toàn mới, khi vài nguồn tin gần đây tiết lộ Mitsubishi đang lên kế hoạch hồi sinh cho mẫu xe biểu tượng này. Tất nhiên mọi đồn đoán chỉ mang tính tương đối, thời gian sẽ có câu trả lời. Và dù Evolution có biến đổi ra sao, DNA thể thao của nó phải còn mãi, nếu muốn duy trì hình ảnh sinh ra để chiến thắng trên đường đua.
Thái Hoàng (vnexpress)