Lên kế hoạch du lịch Đà Nẵng vào đầu tháng 8 nhưng gia đình anh Minh Tiến (quận 10, TP HCM) phải hủy vào giờ chót vì đợt dịch mới bùng phát cuối tháng 7. "Từ chỗ thoải mái trong sinh hoạt, cả nhà tôi giờ chuẩn bị tâm lý chi tiêu tiết kiệm hơn vì đợt dịch này không biết khi nào mới hết", anh Tiến nói.
Gia đình anh Tiến là một trong số hàng chục nghìn khách quyết định hủy tour du lịch trong nước, khi Đà Nẵng thành tâm dịch mới của đợt bùng phát lần hai. Thay vì sẵn sàng mở hầu bao cho thư giãn, giải trí sau nhiều tháng bị hạn chế bởi đợt dịch trước, người dân tiếp tục ưu tiên mua các sản phẩm chống dịch và phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Nhiều bà nội trợ tay xách đầy thịt cá, chuẩn bị cho việc ba ngày tới mới được đi chợ tiếp. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp Tiki cho biết, trong tuần cuối tháng 7, nhu cầu khẩu trang tăng 12 lần, nước rửa tay tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Sản phẩm nhiệt kế cũng lọt vào danh sách sản phẩm được ghi nhận có nhu cầu tăng cao.
Cùng với đó, tâm lý ưu tiên chi tiêu cho nhu yếu phẩm cũng dâng cao trở lại. Số liệu mới công bố của GrabMart cũng cho biết, 10 ngành hàng sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng này từ ngày 24/07 đến nay gồm: hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá tươi); món ăn vặt; sữa; nước giải khát; hàng đông lạnh; sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội, sữa tắm...); mì ăn liền; gia vị & dầu ăn; bánh mì và các loại bánh ngọt; thức ăn nấu sẵn.
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, lượng đơn hàng bình quân hằng ngày trên GrabMart tăng gấp 10 lần, tính vào cuối tháng 7 so với cuối tháng 4. Tốc độ tăng trưởng theo tuần duy trì ổn định 2 con số. Điều này cho thấy, ngoài tâm lý tăng cường mua nhu yếu phẩm, người tiêu dùng cũng ưu tiên kênh mua sắm trực tuyến để tránh nơi đông người.
Trong một nghiên cứu về thói quen chi tiêu của người dùng sau đợt dịch đầu tiên, được công bố vào cuối tháng 6, Q&Me cho biết, thời điểm đó, nhu cầu đặt đồ ăn uống trực tuyến đã hạ nhiệt lại bình thường nhưng nhu cầu ăn ngoài vẫn hạn chế. Thay vào đó, mọi người ăn ở nhà nhiều hơn như một cách cắt giảm chi phí.
"Gần 80% bị ảnh hưởng về tài chính do khối lượng công việc ít hơn. Họ cũng lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế trong vài tháng tới và trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu", báo cáo của Q&Me nhận định.
Xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu thậm chí còn có dấu hiệu dâng cao, do dịch đã quay lại. ShopBack, một nền tảng hoàn tiền mua sắm trực tuyến của Singapore mới chạy phiên bản thử nghiệm (beta) ở Việt Nam từ tháng 12/2019 nhận thấy tâm lý tiêu dùng dè sẻn do đại dịch nên quyết định chào sân chính thức vào đầu tháng 8.
Jacky Hà, Giám đốc Thương mại ShopBack Việt Nam cho biết ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn về doanh số và đến nay, số tiền được hoàn lại cho người dùng tại Việt Nam đã lên đến 4 tỷ đồng với 800.000 người dùng và hơn 150 đối tác.
Không chỉ thay đổi trong cách dùng tiền, phương thức thanh toán an toàn cũng được một số người tiêu dùng quan tâm hơn. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho rằng Covid-19 tạo ra những thách thức chưa từng có và các đơn vị chấp nhận thẻ đang tìm cách để có thể phục vụ khách hàng thanh toán một cách an toàn.
Nửa đầu năm 2020, giao dịch thanh toán không tiếp xúc của Visa đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ 2019. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc cũng tăng hơn 600%.
Vào cuối tháng 6, số lượng thẻ Visa ghi nhận có ít nhất một giao dịch không tiếp xúc trong vòng ba tháng vừa qua tăng gần 300% so với cuối tháng 6/2019. Nhiều hệ thống siêu thị và chuỗi ẩm thực đã chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc như Saigon Co.op, Lotte Mart, The Pizza Company, BHD hay Starbucks. Để khuyến khích người dùng, một số đơn vị còn có các chương trình ưu đãi nếu chọn thanh toán thẻ không tiếp xúc.
Thanh toán không tiếp xúc là phương thức mà người tiêu dùng chỉ cần đặt gần thẻ hoặc điện thoại lên máy đọc thẻ POS trong phạm vi 4 cm để thanh toán.
Báo cáo mới phát hành của Bain & Company cho biết, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Năm ngoái, công ty này dự đoán rằng lượng người tiêu dùng kỹ thuật số - những người đã mua sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến trong 12 tháng qua - trong khu vực sẽ đạt khoảng 310 triệu người vào năm 2025. Nhưng giờ, họ dự báo con số này sẽ đạt được ngay trong năm nay.
Nghiên cứu đã khảo sát khoảng 16.500 người tiêu dùng kỹ thuật số và thu thập thông tin chi tiết từ hơn 20 giám đốc trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những người được hỏi là những người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến ít nhất hai danh mục sản phẩm trong ba tháng qua.
Bain & Company và Facebook cũng lưu ý rằng thói quen tiêu dùng không tiếp xúc và tiêu dùng tại nhà dự kiến sẽ tiếp tục duy trì, bất chấp việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Năm ngoái, công ty này dự đoán lượng người tiêu dùng kỹ thuật số - những người đã mua sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến trong 12 tháng qua - trong khu vực tới 2025 sẽ đạt khoảng 310 triệu người. Nhưng giờ, họ dự báo con số này sẽ đạt được ngay trong năm nay.
Viễn Thông (Vnexpress)