Là một phim ăn khách, liên tục phá vỡ những kỷ lục của điện ảnh Việt, Nhà bà Nữ tất nhiên có rất nhiều ưu điểm. Những ưu điểm ấy - các nhà báo, nhà phê bình và một lượng lớn khán giả đã ngợi khen rầm rộ xuyên Tết, nên tôi chẳng cần phải nói thêm. Tôi chỉ nói về một số điều bất ổn trong cách làm phim này, với hy vọng đây không trở thành một tác phẩm độc hại của điện ảnh Việt.
Bản tóm tắt nghẹt thở của một web-drama dông dài
Câu chuyện của Nhà bà Nữ cũ nhưng vẫn hợp thời và sẽ còn dai dẳng trong mọi gia đình Việt: một bà ngoại xì tin thương cháu, một bà mẹ đơn thân độc hại, hai đứa con gái nông nổi - với mô típ "đi thật xa để trở về", “vấp ngã để trưởng thành”, "gia đình là số 1". Một câu chuyện như thế, nếu kể điềm đạm, tinh tế, Trấn Thành có thể đã làm được một "phim tốt nghiệp" ra trò cho việc tự học đạo diễn. Nhưng rất tiếc, để thực sự trở thành đạo diễn điện ảnh, anh còn phải học nhiều. Mà quan trọng nhất là học tiết chế.
Mạch phim của Nhà bà Nữ nhanh đến ná thở, cứ như là gộp 5 tập web drama lại thành 1 file rồi bấm tốc độ phát x 3,14 vậy. Đó là hệ quả của một kịch bản ôm đồm theo lối chương hồi mà chuyện gì cũng phải kể.
Với một kịch bản đời thường trong nhà ngoài phố nhiều đường dây, Trấn Thành đang quay lại truyền hình hóa phim điện ảnh; tước mất ở thể loại này những khoảng lặng suy tư, những “khoảng trống” hữu ý, những ước lệ giàu sức khái quát… Cách kể chuyện tỉ mỉ, ôm đồm này của anh độc hại vì nó tiếp tục nuông chiều kiểu thưởng thức phim “chương hồi”, dễ hiểu, tập trung vào câu chuyện hơn tâm lý nhân vật, đưa thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận khán giả xuống thấp hơn.
Lạm dụng voice-over để thao túng tâm lý khán giả
Từ lâu, voice-over (tiếng trong hình) là một trong những phương tiện biểu đạt của điện ảnh, bằng cách để người dẫn chuyện hoặc người bình luận lên tiếng: kể hoặc giải thích rõ hơn về một chi tiết, tình tiết trong phim. Tuy nhiên, dùng voice-over thường là chuyện “cực chẳng đã”, vì nó ít nhiều cho thấy sự bất lực của đạo diễn trong diễn đạt bằng hình ảnh.
Tôi nghĩ, một người thông minh như Trấn Thành không thể không biết cả tác dụng lẫn tác hại của voice-over, nhưng anh vẫn lạm dụng nhiều đến mức tôi nghĩ diễn viên Huỳnh Uyển Ân (vai Nhi) phải đi thu voice tới mấy ngày để lồng vô phim. Nhi nói nhiều tới mức tôi ước gì có cái remote để bấm mute mà quên mất mình đang ở rạp.
Cớ sao Trấn Thành lại cho Nhi nói nhiều như vậy? Thực ra năng lực kể chuyện bằng hình ảnh của anh không hề yếu kém, bằng chứng là Nhà bà Nữ vẫn có những thước phim giàu chất tự sự: cảnh bầy cua bò ngang như cái nết ngang ngạnh của người nhà bà Nữ; cảnh bà ngoại Ngọc Ngà mở audio Phật Pháp nghe “Ai chửi mắng thì ta giả điếc…”; cảnh cãi lộn vì nồi lẩu thiếu bò wagyu của Nhi và John… Thế nên nguyên nhân cho chuyện lạm dụng voice-over của Trấn Thành chỉ có một: nó thể hiện ẩn ức, khát khao được dạy dỗ người xem của Trấn Thành.
Đây là một căn bệnh trầm kha của anh, từ dẫn chương trình đến làm giám khảo gameshow, diễn viên, biên kịch rồi đến đạo diễn; lúc nào anh cũng tranh thủ “dạy” mọi người nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu, nghệ thuật làm việc, thậm chí cả nghệ thuật làm cha làm mẹ. Anh tận tụy dạy qua bao chương trình, như một giáo viên yêu nghề, dẫu cho anh không có kỹ năng sư phạm và khán giả cũng không phải là học trò của anh.
Thật ra ở điểm này, tôi thấy thương Trấn Thành nhiều hơn ghét. Sự nói nhiều thành tật, sự ham thuyết giảng của anh trước hết là do đặc trưng nghề nghiệp. Và sâu hơn, nó xuất phát từ tình thương, sự nhiệt huyết của anh với con người và cuộc sống.
Với Bố già và Nhà bà Nữ, Trấn Thành thậm chí còn có tham vọng chữa lành những tổn thương sâu sắc thâm căn cố đế trong mỗi gia đình Việt, để lên án một lối dạy con độc hại, thương con độc hại, hy sinh độc hại - tất yếu sẽ dẫn đến những đứa con méo mó, lệch lạc.
Nhưng tình thương dễ khiến ta mù quáng. Chính vì Trấn Thành quá dạt dào tình thương nên đã nôn nóng đặt mình ở vị thế cao hơn khán giả để nói thật to họ phải sống như thế nào, dạy con ra sao, yêu thương cho đúng cách. Thay vì để cho khán giả tự “đọc” ra những thông điệp kín đáo, tinh tế, thuyết phục, Trấn Thành để Nhi đọc luôn cho nó lẹ.
Không hề giúp diễn viên thăng hạng diễn xuất
Vốn là một ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn trong showbiz và có một tâm hồn khao khát kết giao, Trấn Thành đi đến đâu là kéo bạn bè, người nhà mình đến đó. Từ gameshow, talkshow đến show truyền hình thực tế; từ web drama đến phim điện ảnh; nơi đâu có Trấn Thành, nơi đó có thầy anh, bạn anh, vợ anh, em gái anh...
Điều này dễ khiến người ta nghĩ rằng: cứ chơi với Trấn Thành là có địa vị, là được anh nâng đỡ. Tuy nhiên, tôi lại thấy tham vọng kiểm soát, áp đặt nơi Trấn Thành dễ khiến anh “dìm hàng” thân quyến của mình, hơn là nâng đỡ tài năng của họ. Trong Nhà bà Nữ, điều đó khá dễ thấy.
Trước hết là Lê Giang, một diễn viên hài duyên dáng, có kỹ năng diễn xuất khá ổn. Nét hồn nhiên, tràn trề nhựa sống khiến chị diễn rất mùi những vai phụ nữ lao động phốp pháp, chân chất, mặn mòi, như vai dì Lệ thợ may trong Bố già chẳng hạn.
Nhưng ở Nhà bà Nữ, Trấn Thành không hề giúp Lê Giang phát huy những thế mạnh đặc trưng của mình, anh triệt tiêu khả năng diễn xuất và sáng tạo bằng hình thể, bằng ánh mắt, nét mặt của Lê Giang, chỉ để cho chị chửi, chửi, chửi và chửi.
Thế nên nhân vật bà Nữ của Lê Giang không hề có chiều sâu. Bà thiếu những phút ngồi nghe cái áp lực đè nặng trên vai: gánh một bà mẹ già ham vui và đàn con báo đời; bà thiếu những phút nhớ con, chờ con, lo lắng cho con gái bụng mang dạ chửa; thiếu những khát khao ôm ấp, vỗ về của một người đàn ông. Nên bà Nữ trở nên thật xa lạ với khán giả, bà là một nhân vật minh họa kém thuyết phục.
Uyển Ân thì mới vào nghề, nên chưa nói được gì nhiều. Nhưng cô chưa thể tỏa sáng với vai Nhi, dẫu cho vai này Trấn Thành viết riêng cho em. Ở Nhi, mọi thứ đều lưng chừng, lửng lửng: sự ấm ức vừa vừa với mẹ, tình yêu vừa vừa với John, khát vọng lập nghiệp vừa vừa, sự hỗn láo, ích kỷ cũng chỉ ở mức vừa vừa. Có lẽ, việc là em gái Trấn Thành rất dễ khiến Uyển Ân thui chột diễn xuất, nếu chỉ quen đóng dạng vai nạn nhân của bạo hành gia đình.
Song Luân cũng tương tự luôn, vốn đẹp và không được đánh giá cao về diễn xuất, ở phim này, Luân cũng vẫn bảo toàn sự nhạt cố hữu mà may mắn là khá hợp với sự nhạt của nhân vật John.
Những vai diễn còn lại của Ngọc Giàu, Việt Anh, Công Ninh, Khả Như, hay của chính Trấn Thành khá vừa vặn và duyên dáng. Ngọc Giàu, Việt Anh, Công Ninh đều là những diễn viên lớn nên Trấn Thành không đủ sức thao túng họ; vai của Khả Như ổn nhưng chưa có đất diễn để cô trưng trổ khả năng; còn vai Nhuận của Trấn Thành cũng chỉ ở dừng ở mức tròn vai.
Vậy nên, việc chơi chung với Trấn Thành, dường như mới chỉ giúp các diễn viên, ca sĩ có cơ hội, có cát-xê, có danh vọng, chứ không thể giúp họ thăng hạng tài năng. Ngược lại, đôi khi mối quan hệ này còn là cái bẫy khiến họ bị triệt tiêu cá tính, năng lực, dưới nguồn năng lượng của Trấn Thành. Thân thôi, đừng thân quá!
Tôi theo dõi Trấn Thành từ khi anh mới chập chững thi Én vàng. Anh sở hữu nhiều yếu tố để trở thành một nhân vật lớn ở mọi lĩnh vực mình theo đuổi, bao gồm cả điện ảnh. Vậy nên, nếu những người có sức ảnh hưởng như anh không chịu tiết chế và thay đổi, nghệ thuật đại chúng sẽ càng đi xuống.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm bênh vực triết lý bình dân và sự nghiên cứu thị hiếu khán giả đại chúng kỹ lưỡng của ekip Trấn Thành. Theo anh, để thắng ở phòng vé, nhà làm phim cần nghiên cứu chiêu thức của Trấn Thành. Nhưng tôi muốn nói thêm, giữ phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm là sự giữ chân khán giả tử tế và hiệu quả nhất.
Theo Vietnamnet