Trong báo cáo cập nhật ngành Khu công nghiệp, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra dự đoán tích cực cho những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất. Ví dụ như Kinh Bắc (KBC), Viglacera (VGC) có quỹ đất tương ứng 900 ha và 1.150 ha tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp miền Bắc, thuộc các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu thuê của các doanh nghiệp sản xuất điện tử, phụ tùng, linh kiện.
Tại khu vực miền Nam, Becamex (BCM) và Cao su Phước Hoà (PHR) cũng sở hữu quỹ đất công nghiệp khổng lồ, rộng hơn 1.000 ha, chủ yếu ở Bình Dương. Khách thuê chính là các doanh nghiệp gỗ, cả trong nước và FDI. Ngoài ra, cơ cấu khách thuê cũng đa dạng đến từ nhiều ngành gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.
Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng có nhiều lợi thế nhờ diện tích đất còn có thể cho thuê gần 900 ha tại khu công nghiệp Châu Đức.
Chứng khoán Rồng Việt nhận định, xu hướng các công ty từ Trung Quốc và các nước dịch chuyển sang Việt Nam vẫn diễn ra trong năm 2020. Nửa đầu năm, vốn FDI vào sản xuất chiếm 71%. Đa số dòng vốn này đầu tư vào Hà Nội, Bắc Ninh ở phía Bắc và TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam.
Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) tháng 7/2020, có diện tích gần 200 ha, xây dựng từ năm 1996. Ảnh: Quỳnh Trần.
Áp lực từ môi trường cạnh tranh cũng như phân tán rủi ro khiến nhiều công ty đa quốc gia di dời nhà máy đến Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn, sức cạnh tranh cao dựa vào chi phí lao động giá rẻ (bằng 52% Trung Quốc, bằng 64% mức trung bình của 3 đối thủ trong ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Malaysia) và tình hình chính trị ổn định.
Theo báo cáo, các chủ khu công nghiệp đã thu về những kết quả ấn tượng. Giá thuê bình quân nhà xưởng đã tăng 10% so với cuối năm ngoái, bù đắp chi phí phát triển dự án.
Do vậy, đơn vị nghiên cứu vẫn giữ quan điểm tích cực với các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn, sẵn sàng khai thác.
Tại thị trường phía Bắc, sự xuất hiện của Covid-19 đang khiến doanh nghiệp và chủ đầu tư khu công nghiệp gặp một số hạn chế nhưng nhóm nghiên cứu nhận định thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
Giá đất trung bình trong quý I đạt 99 USD mỗi m2 trên thời hạn thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn là những thị trường khu công nghiệp trọng điểm ở khu vực phía Bắc nhờ nguồn cung lớn.
Diện tích có thể cho thuê ở Hải Phòng hơn 3.000 ha, trong khi tỷ lệ lấp đầy đang khoảng 60%. Bắc Ninh có tổng nguồn cung khoảng 2.500-2.700 ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Hưng Yên, Hà Nội có quỹ đất bị hạn chế trong khi diện tích sử dụng đã được phủ gần kín.
Tại thị trường phía Nam, báo cáo nhấn mạnh tình trạng khan hiếm quỹ đất là vấn đề then chốt khi các khu công nghiệp kín chỗ, nguồn cung mới đang hạn chế. Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, tỷ lệ lấp đầy đang ở mức 80-90%.
Các công ty nước ngoài đang tích cực "bắt tay" liên doanh với chủ đầu tư khu công nghiệp trong nước hoặc trực tiếp mua quỹ đất và tài sản vận hành.
Báo cáo nêu rõ dù đại dịch có thể gây ra những khó khăn tạm thời, nhưng nhu cầu đất khu công nghiệp vẫn ở mức cao. Giá đất khu công nghiệp trung bình ở miền Nam hiện là 106 USD một m2 trên chu kì thuê, tăng 9,7% theo năm.
Phương Ánh (Vnexpress)