Cùng lớp với Nga, Nguyễn Minh Châu xác định phải đỗ lớp Toán trường Chuyên Hùng Vương từ cấp hai, thấp lắm mới học trường THPT công lập của huyện. "Nếu trượt chuyên, mọi thứ sụp đổ và chắc em không dám đi đâu ra khỏi nhà dịp hè", Châu nói.
Chia sẻ lý do phải vào bằng được trường chuyên, Châu cho rằng học tập trong môi trường đó em sẽ mở rộng cả kiến thức đến kỹ năng mềm, tăng cơ hội đỗ đại học top đầu hay du học. Ví dụ đỗ Chuyên Hùng Vương, em có cơ hội nhận học bổng đi Singapore hay Australia nhờ chương trình hợp tác. Đây cũng là ngôi trường có thủ khoa khối B cả nước ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Cũng vì lẽ đó, ngoài Châu và Nga, lớp có hơn chục bạn muốn rời huyện xuống thành phố học trường chuyên.
Từ huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) lên Hà Nội thi, Nguyễn Thị Minh Huyền đặt kỳ vọng đỗ lớp Tiếng Anh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội). Để tăng cơ hội đỗ chuyên, em còn thi thêm lớp Hóa của trường Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau ngày 29/5, Huyền còn ba buổi ôn luyện trước khi thi vào trường THPT Chuyên Bắc Ninh.
Huyền cho biết từ năm lớp 8 đã có áp lực phải đỗ trường chuyên. Nó xuất phát từ chính mong muốn của bản thân và từ gia đình vì anh chị họ đều đỗ vào những ngôi trường danh tiếng này. Bắt đầu lên THCS, Huyền đã đi học thêm kín tuần với ba môn Toán, Văn, Anh. Đến lớp 8, em được lựa chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa, việc học tập trở nên vất vả hơn. Em cũng quyết định học thêm môn Hóa bên ngoài để thi thử sức ở hai khối chuyên.
Nữ sinh thậm chí không nghĩ tới trường THPT công lập của huyện vì cho rằng học sinh trường công lập bình thường sẽ phải học thêm rất nhiều trong khi các bạn chuyên chỉ cần tập trung ở trường là đủ. Đó cũng là môi trường giúp em trở nên năng động hơn.
Đặng Thanh Quang (trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Kiến Xương, Thái Bình) đặt mục tiêu vào trường THPT Chuyên Thái Bình từ năm lớp 8 với lý do "muốn giành giải trong cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc gia". Quang cho rằng chỉ khi vào trường chuyên mới có cơ hội đó bởi được tập trung theo chuyên môn thay vì học dàn trải.
Để đạt mục tiêu, Quang chia thời gian học tập rõ ràng. Trong ba tháng học đội tuyển Toán lớp 9, em tập trung ôn Toán để thi chuyên luôn. Từ đầu năm 2019 đến nay, em phân bố thời gian để học thêm Văn và Tiếng Anh. Ngoài việc ôn luyện trên lớp, nam sinh còn tìm thêm sách nâng cao và bài tập trên mạng để đọc. Em xác định học lấy chất lượng chứ không phải số lượng nên luôn hoàn thành bài vở trước 22h30 mỗi ngày. Nhờ đó, em không bị stress hay áp lực.
Bên cạnh Chuyên Thái Bình, Quang cũng đăng ký thi vào trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội để nâng cao khả năng trúng tuyển.
Xuân Thành, học sinh đến từ Thanh Hóa, dành tới sáu buổi mỗi tuần để học Toán nhằm trúng tuyển lớp chuyên Toán của trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), hoặc Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Thậm chí, em còn luyện đề chuyên Anh, rèn cách viết Văn để đạt điểm xét tuyển cao nhất có thể.
"Vào trường chuyên, em sẽ cố gắng được vào đội tuyển Toán của tỉnh. Nếu không, em sẽ tập trung vào các môn học cần thiết cho ngành nghề phù hợp trong tương lai", Thành nói và cho rằng chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi kỳ thi vào lớp 10 ở tỉnh diễn ra hôm 5/6.