Báo cáo tài chính các công ty chứng khoán quý III tiếp tục cho thấy sự phân hóa mạnh về hoạt động kinh doanh. Những công ty đứng đầu thị phần môi giới cổ phiếu tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường chung. Trong khi đó, các công ty chiếm lĩnh những mảng thị trường riêng, như trái phiếu, phái sinh, các công ty được hậu thuẫn bởi vốn ngoại tiếp tục gia tăng áp lực lên nhóm đầu với lợi nhuận tăng hai con số.
Công ty chứng khoán SSI - đơn vị giữ thị phần đứng đầu về môi giới trên HNX và HoSE quý III - ghi nhận doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm giảm 17%, còn 2.330 tỷ đồng. Từng là mảng kinh doanh quan trọng nhất, hoạt động môi giới chỉ đem về hơn 430 tỷ đồng doanh thu cho SSI, giảm quá nửa so với cùng giai đoạn năm 2018.
Trong top 5 thị phần môi giới HoSE quý III, ngoại trừ Mirae Asset là nhân tố mới với sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ Hàn Quốc, ba công ty nội còn lại là Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), Công ty chứng khoán VNDirect và Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đều giảm mạnh. Doanh thu của HSC chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng trong 9 tháng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu của VNDirect và VCSC cũng giảm lần lượt 5% và 21%.
Theo SSI, kết quả này phản ánh những ảnh hưởng bất lợi từ bối cảnh thị trường quý III không có nhiều cải thiện so với nửa đầu năm.
Thanh khoản trung bình chỉ đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lo ngại trước những rủi ro khó đoán định, các nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng chuyển sang đầu tư các tài sản an toàn đã tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở nhiều mã chủ chốt, số lượng tài khoản mở mới không cao như trước cũng phần nào ảnh hưởng tới dòng tiền.
Thị trường biến động bất lợi là lý do nhiều công ty chứng khoán top đầu giải thích kết quả kinh doanh sụt giảm. Ảnh: Dũng Minh
Trong nhóm 10 công ty chứng khoán có doanh thu cao nhất trong 9 tháng, chỉ ba trường hợp doanh thu tăng, gồm VPS, TCBS và Mirae Asset Việt Nam.
VPS, tiền thân là Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), không nằm trong top đầu về thị phần môi giới nhưng là hiện tượng khi trở thành công ty lớn thứ hai về doanh thu. Theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu môi giới của VPS chỉ đạt gần 175 tỷ đồng, tuy nhiên lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/ lỗ (FVTPL) đạt hơn 1.200 tỷ đồng, doanh thu từ tư vấn tài chính cũng tăng hơn 40% lên gần 260 tỷ đồng.
Mirae Asset, công ty chứng khoán Hàn Quốc, đang là đối trọng lớn nhất với nhóm dẫn đầu về thị phần môi giới. Được sự hậu thuẫn của công ty mẹ với nguồn vốn lớn, Mirae Asset trở thành một trong ba công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất thị trường. Hết quý III, công ty này cũng vào top 5 thị phần môi giới trên HoSE. Trong 9 tháng, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Mirae Asset là hoạt động cho vay margin với lãi từ các khoản cho vay và phải thu gần 380 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ.
TCBS, công ty đứng đầu về thị phần phát hành trái phiếu, vẫn tiếp tục ăn nên làm ra nhờ sự bùng nổ của kênh trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính, TCBS thu về hơn 490 tỷ đồng doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, phát hành chứng khoán, chiếm gần một nửa tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm.
Tương đồng với doanh thu, top 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận trước thuế cao nhất 9 tháng cũng xáo trộn mạnh. TCBS vượt qua SSI trở thành công ty chứng khoán lãi cao nhất, với 864 tỷ đồng, tăng 21%.
SSI, HSC, VCSC - ba công ty đứng đầu về thị phần môi giới - cũng đứng đầu về lợi nhuận sụt giảm trong 9 tháng đầu năm. Hoạt động gắn với xu thế chung của thị trường khiến bộ ba này bị ảnh hưởng khi diễn biến kém tích cực. Lợi nhuận SSI giảm 37%, còn 687 tỷ đồng, lợi nhuận HSC và VCSC cũng giảm lần lượt 50% và 29%.
Theo báo cáo tài chính của SSI, chi phí hoạt động của công ty giảm hơn 33%, gấp đôi tốc độ giảm của doanh thu, nhưng chi phí tài chính bị đẩy lên cao khiến lợi nhuận giảm mạnh. Trong 9 tháng, chi phí tài chính của SSI tăng 55% cùng kỳ, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Ở nhóm dưới, bảng xếp hạng cũng có sự xáo trộn khi một số công ty giảm lãi quá nhanh. Lợi nhuận của VCBS trong 9 tháng đầu năm giảm 42%, BSC cũng giảm 50% khiến hai công ty này ra khỏi top 10 về lợi nhuận. VNDirect - đứng thứ ba về thị phần môi giới HoSE quý III - cũng báo lãi giảm 30%, xuống vị trí thứ 7 trong nhóm 10 công ty chứng khoán lãi cao nhất 9 tháng.
Ngoài TCBS báo lãi tăng cao nhờ đi vào ngách thị trường riêng, lợi nhuận của Mirae Asset cũng tăng mạnh và nhăm nhe top 5 thị trường. Trong nhóm dưới, MBS và FPTS cũng ghi nhận lợi nhuận tăng, dù không đột biến như giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Minh Sơn (Vnexpress)