Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) vừa thông tin về giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Trong đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát đăng ký mua gần 5,6 triệu cổ phiếu HPG. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long, cũng đăng ký mua vào hơn 840.000 đơn vị. Hai giao dịch dự kiến từ 21/6 đến 19/7 qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận nhằm gia tăng sở hữu.
Diễn biến cổ phiếu HPG một năm gần đây. Ảnh: VNDirect
Trước giao dịch, ông Long sở hữu hơn 694 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ hơn 25% vốn của tập đoàn. Trong khi đó, bà Hiền nắm giữ hơn 201 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,29%). Nếu hoàn tất giao dịch, sở hữu của Chủ tịch Hòa Phát và vợ sẽ tăng lên lần lượt là 700 triệu cổ phiếu (chiếm 25,35%) và 202 triệu cổ phiếu (7,32%).
Động thái mới từ người đứng đầu Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG liên tục "dò đáy". Sau đợt phục hồi ngắn trong hai tháng đầu năm, cổ phiếu HPG lại quay về xu hướng điều chỉnh. Tính chung từ đầu năm 2019, thị giá HPG đã giảm khoảng 6%, còn so sánh với mức đỉnh tháng 10/2018, cổ phiếu này đã sụt hơn 30%.
Tại phiên họp thường niên năm 2019, Hòa Phát đã trình và được thông qua kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ, dù doanh thu dự kiến vẫn tăng.
Cụ thể, tập đoàn thép giữ thị phần số 1 hiện nay đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng, tăng gần 24% so với thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 22% còn 6.700 tỷ, so với kết quả năm trước hơn 8.600 tỷ đồng.
Theo ông Long, nguyên nhân đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm do ảnh hưởng chủ yếu từ yếu tố đầu vào là giá quặng sắt có xu hướng tăng và việc điều chỉnh giá điện mới đây từ Bộ Công Thương. Giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã tăng hơn 20%, từ mức trung bình 62 USD lên 84-85 USD, có lúc lên 90 USD do ảnh hưởng từ vụ vỡ đập tại một mỏ quặng sắt của Brazil. Điều này khiến chi phí đầu vào của Hòa Phát tăng lên, tuy nhiên doanh nghiệp lại không thể chuyển toàn bộ mức tăng vào giá thép bán ra do yếu tố cạnh tranh.
Minh Sơn (vnexpress.net)