Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn lực tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, có sức cạnh tranh cao, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.
Bao giờ thôi... mắc nghẹn?
Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến trong những năm qua là nhiều loại nông sản ở các vùng - miền, nổi lên là vùng trọng điểm nông nghiệp ĐBSCL, thường rơi vào tình trạng tắc đầu ra, giá bán dưới giá thành. Chia sẻ khó khăn với ngành nông nghiệp và nông dân, nhiều cơ quan, đơn vị, người tiêu dùng đã phát động, hưởng ứng các cuộc vận động "giải cứu" nông sản, tiếp sức nông dân. Nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ truyền thống... sẵn sàng tham gia trợ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều góc phố, vỉa hè, khu dân cư tấp nập những chuyến xe vận chuyển hàng nông sản đến để tiêu thụ.
Nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng phải “giải cứu” do sản xuất nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp chế biến và chưa bám sát thông tin thị trường.Ảnh: NGỌC TRINH
Điệp khúc "giải cứu" nông sản nói trên cứ lặp đi lặp lại, tái diễn qua nhiều vụ, nhiều năm. Hành động nghĩa tình giúp nông dân tiêu thụ nông sản là cần thiết trong cơn nguy cấp nhưng nền kinh tế nông nghiệp không thể vận hành mãi dựa trên lòng hảo tâm phi thị trường từ phía người tiêu dùng. Rất cần sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương liên quan với những giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng hình ảnh các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Không riêng Việt Nam, nhiều nước cũng gặp tình trạng ùn ứ, khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Song, tình trạng trúng mùa mất giá, thiếu kết nối giữa sản xuất nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến... ở Việt Nam diễn ra trầm trọng hơn. Không phải khi dịch COVID-19 bùng phát mới bộc lộ rõ "tín hiệu trục trặc" của thị trường nông sản mà những điểm yếu này đã lộ diện từ nhiều năm qua. Qua đây, cần thiết nhận diện rõ hơn những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp và những ngành liên quan mật thiết như công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, mạng lưới phân phối nông sản... để có giải pháp khắc phục.
Nhìn tổng thể, các chuỗi giá trị nông sản dù có bước chuyển đổi đáng ghi nhận từ lượng sang chất nhưng vẫn trong tình trạng bị "chặt" thành nhiều khúc, mà phần thiệt thòi nhiều nhất đang thuộc về nông dân. Nhiều chính sách của nhà nước dù được xây dựng theo hướng ưu tiên hỗ trợ tam nông nhưng chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Nông dân cần chính sách ổn định lâu dài hơn những chính sách có tính chất tình thế, nhất thời.
Xóa "giải cứu" nông sản
Mặc dù còn ý kiến cho rằng không nên lạm dụng khái niệm "giải cứu nông sản" nhưng hành động "giải cứu" đã thể hiện những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trong việc góp sức tiêu thụ nông sản nội địa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản khó tiêu thụ như đứt gãy chuỗi cung ứng, tính chất thời vụ của mặt hàng... nhưng chủ yếu là do bất cập cung - cầu. Muốn nâng tầm nông sản Việt Nam, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phải xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Theo NLĐ