Theo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá tại cuộc họp ban chỉ đạo cuối tháng 3, ông yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện.
Bộ này cũng được yêu cầu công khai, minh bạch chi phí đầu vào, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định. Trước đó từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên mức giá 1.864,44 đồng một kWh.
Với giá xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích, lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo có dư địa cho bình ổn thị trường. Liên bộ cũng cần chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá mặt hàng này tăng cao, tránh ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát.
Công nhân điện lực Hà Nội kiểm tra đường dây điện trước mùa nắng nóng. Ảnh: Ngọc Thành
Trong diễn biến liên quan, số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê cho thấy, giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3 và hai đợt tăng giá xăng dầu thêm gần 3.000 đồng trong tháng 4, đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31%.
9 tháng cuối năm 2019, theo dự báo của Ban chỉ đạo giá, các mặt hàng thiết yéu trong đó có xăng dầu biến động khó lường. Cùng đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường... nên công tác điều hành giá gặp nhiều thách thức. Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, CPI bình quân năm 2019 ở 3,3-3,9%.
Anh Minh (vnexpress.net)