Bà Nhung Phạm, Quản lý Phát triển kinh doanh của Savills Hotels cho biết: “Với vai trò là đơn vị tư vấn hoạch định cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng, chúng tôi luôn muốn cập nhật những thông tin mới nhất về điều kiện thị trường và các xu hướng, sản phẩm mới. Ở mỗi chương trình đều có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm, thông tin hữu ích cho các chủ đầu tư.”
Theo ông Mauro, “Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng lượt khách du lịch quốc tế cao nhất toàn cầu, với sự gia tăng số lượng các thương hiệu mới cũng như các dự án tương lai. Ngành BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đóng góp đáng kể vào tương lai phát triển của nền kinh tế nước nhà, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Nhìn chung, thị trường Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng về giá phòng của các dự án khách sạn và resort trong năm 2018, trong đó tình hình hoạt động của các khách sạn tại các thành phố lớn được ghi nhận ở mức khá ấn tượng. Thời gian gần đây, chủ đầu tư bắt đầu hoạch định phát triển các dự án thuộc phân khúc trung cấp quốc tế và mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc cũng như chú trọng nhiều hơn đến thiết kế và trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ đối mặt với một số rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động trong vài năm tới như số lượng lớn nguồn cung tương lai tại các địa điểm du lịch ven biển, sự tăng trưởng nhanh chóng của các hình thức lưu trú mới như Airbnb, dự báo sụt giảm lượng khách du lịch toàn cầu trong năm nay.” Bà Uyên Nguyễn, Quản lý Tư vấn tại Savills Hotels nhận định rằng các địa điểm du lịch ven biển ghi nhận sự giảm nhẹ về công suất trung bình trong năm qua do những dự án mới đi vào hoạt động. “Một số lượng gồm 75 dự án khách sạn và resort thuộc phân khúc 4-5 sao được đưa vào hoạt động tại sáu điểm đến ven biển chính trong năm 2018, cung cấp hơn 15.900 phòng cho thị trường. Đây là một lượng phòng đáng kể, chiếm đến 24% tổng nguồn cung hiện tại. Trong giai đoạn từ 2019- 2022 chúng tôi ước tính sẽ có thêm 45.600 phòng được đưa vào hoạt động và sẽ mang đến áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án tiêu chuẩn truyền thống và quy mô lớn”. Ông Mauro cũng cho rằng, “Những dự án khách sạn hay resort được định vị tốt với thiết kế ấn tượng, ẩm thực chất lượng, tiện ích và dịch vụ độc đáo hiện đang có giá phòng và công suất hoạt động tốt hơn những sản phẩm tiêu chuẩn. Những sản phẩm này được phân loại vào nhóm sản phẩm chú trọng trải nghiệm và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lượng nguồn cung đại trà trong tương lai hơn so với các dự án thông thường.”
Theo Ms Uyên, “Các dự án quy mô lớn hướng đến đối tượng khách đoàn hay khách ngân sách thấp tại các thị trường ven biển như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc có thể gặp phải áp lực cạnh tranh lớn trong những năm tới. Nguyên nhân vì bị ảnh hưởng bởi lượng nguồn cung lớn ở cả phân khúc khách sạn, resort và condotel sắp đi vào hoạt động, khiến cho công suất bị ảnh hưởng và giá phòng phải điều chỉnh ở mức cạnh tranh hơn. Mặt khác, hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM với số lượng nguồn cung tương lai tương đối hạn chế, mang đến cơ hội phát triển trên tất cả các phân khúc”.
Khách sạn ngày nay có cơ hội để xác định rõ các đối tượng khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn so với trước đây. Thay đổi hành vi tiêu dùng từ việc ứng dụng công nghệ và phân tích dữ liệu đã tạo điều kiện cho việc xuất hiện nhiều đối tượng du khách mới như khách đi du lịch một mình, khách tìm kiếm trải nghiệm, du lịch theo nhóm, tín đồ Instagram, phiêu lưu mạo hiểm, gia đình đơn thân, du lịch giờ chót, gia đình đa thế hệ, công tác kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trị liệu, v.v.”
Theo ông Bryan Chan, Giám đốc phát triển, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của tập đoàn InterContinental Hotels Group, “Tại IHG, công nghệ được nghiên cứu và ứng dụng cho toàn bộ trải nghiệm của khách sạn từ thiết kế ban đầu cho đến việc cung cấp trải nghiệm thương hiệu cho khách hàng mỗi ngày. Công nghệ luôn không ngừng đổi mới, vì vậy yếu tố cốt lõi là chọn ra công nghệ tốt nhất có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư, khiến việc vận hành trở nên thuận tiện hơn cho nhân viên, đồng thời mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.”
Du khách ngày nay có thể sử dụng công nghệ trong suốt hành trình của họ từ trước khi đến khách sạn, trong thời gian lưu trú và ngay cả sau khi khi hoàn thành chuyến đi.
Robot phục vụ, điện thoại thay thế khóa phòng, sử dụng điện thoại để check-in/ check-out hoặc những phòng khách sạn thông minh cũng đang được áp dụng nhiều hơn nữa trong các khách sạn nhằm giảm chi phí vận hành và số lượng nhân viên. Đối với ngành nghỉ dưỡng, việc duy trì tương tác giữa người với người cũng là một phần quan trọng trong suốt quá trình lưu trú và trải nghiệm tại khách sạn.
Nguyễn Khanh (Nguồn: Savills)