Qua 2 quý đầu năm 2021 với sức mua xuống "đáy", trong 3 tháng trở lại đây, nhu cầu mua máy tính xách tay (laptop) tăng mạnh trở lại do học sinh, sinh viên bước vào năm học mới và tình hình tài chính của nhiều gia đình đã ổn định hơn.
Giá giảm mạnh
Năm tháng trước, có nhu cầu mua laptop giá khoảng 11-12 triệu đồng nhưng anh T.V.V (TP Thủ Đức, TP HCM) không tìm thấy chiếc nào ưng ý, còn máy giá dưới 10 triệu đồng thì gần như không có. Tuy nhiên hiện nay, nhiều dòng máy giá từ dưới 10 triệu đến trên dưới 15 triệu đồng đã được xếp kín khu vực trưng bày của các hệ thống bán lẻ. "Tại cửa hàng CellphoneS, laptop về nhiều đến nỗi hết chỗ trưng bày và phải xếp thành chồng trên kệ. Còn tại Thế Giới Di Động, cửa hàng phải tận dụng phần dưới của kệ hàng để xếp laptop mới về" - anh V. kể.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, với nguồn hàng dồi dào trở lại, giá laptop bắt đầu giảm đáng kể. Tại hệ thống CellphoneS, mẫu Lenovo Ideapad i3 giảm 4,6 triệu đồng còn 12,4 triệu đồng/máy, mẫu Dell Inspiron i3 giảm 2,2 triệu đồng còn 13,8 triệu đồng/máy, Dell Vostro i7 giảm 3 triệu đồng còn 23,9 triệu đồng/máy, Asus Zenbook i7 giảm 2,7 triệu đồng còn 37 triệu đồng/máy... Nhiều mẫu laptop giá cao khác tại đây được giảm giá lên đến 8 triệu đồng/chiếc. Còn tại Thế Giới Di Động, laptop giá rẻ tràn ngập với nhiều dòng có giá dao động từ 9-12 triệu đồng/chiếc.
Đại diện các hệ thống bán lẻ lý giải giá mặt hàng này giảm mạnh do hàng về nhiều nhưng sức mua chỉ tăng có giới hạn. Ngoài ra, nhiều hệ thống muốn tận dụng giai đoạn kinh tế bắt đầu hồi phục, tình hình tài chính của các gia đình ổn định hơn để kích cầu mua sắm nên không ngại ngần giảm giá khá mạnh với mức giảm lên đến 30%.
Thị trường dần ổn định
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết sức tiêu thụ laptop tăng vọt trong quý cuối năm 2021 và bắt đầu giảm trong những ngày đầu năm 2022. Đại diện CellphoneS thì ghi nhận sức tiêu thụ laptop hiện tại giảm khoảng 35% so với tháng trước đó. "Trái ngược với các mặt hàng công nghệ khác, nhu cầu mua laptop thường giảm mạnh vào tháng cận Tết âm lịch do nhu cầu làm việc, học tập của khách hàng giảm và người tiêu dùng thường ưu tiên mua sắm các mặt hàng phục vụ Tết.
Sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 khiến nguồn cung khan hiếm, nhu cầu mua laptop bùng nổ ngay trong những ngày đầu mở cửa trở lại. Đến nay, nhu cầu đã cơ bản được giải quyết, không còn tăng nóng nữa và thị trường bình ổn trở lại" - ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, nhìn nhận.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, dự đoán nhu cầu mua sắm laptop năm 2022 có thể không tăng trưởng đột biến như thời điểm tháng 4-2020 và tháng 9, 10-2021 khi các địa phương triển khai giãn cách xã hội với nhiều cấp độ. Tuy nhiên, mặt hàng này hiện nay đã trở thành công cụ thiết yếu phục vụ học tập, làm việc từ xa, kéo theo nhu cầu nâng cấp máy, nhất là máy tính cấu hình cao, sẽ vẫn tăng trưởng ở mức nhất định.
Theo ông Lê Thanh Thảo, đại diện hãng Asus tại Việt Nam, nguồn cung laptop hiện nay khá dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, không còn lo thiếu hụt hàng ở mọi phân khúc như mấy tháng trước. Các hãng sản xuất cũng đã khắc phục được tình trạng thiếu chip nên có thể gia tăng sản lượng và rút ngắn tiến độ giao hàng. Do vậy, cung - cầu với mặt hàng này trong năm 2022 cơ bản được bảo đảm ổn định. "Lượng hàng chúng tôi nhập về trong quý I/2022 tăng khoảng 20% so với quý IV/2021, trong đó phân khúc từ 15 triệu đồng trở xuống chiếm đến 50%" - ông Thảo thông tin.
Tương tự, đại diện nhiều hãng laptop xác nhận nguồn hàng trong năm 2022 tăng đáng kể so với năm ngoái. Các phân khúc giá được cân đối phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, trong đó tỉ lệ máy giá thấp được điều chỉnh tăng mạnh.