Triển vọng tươi sáng
Thị trường vàng thế giới trong năm cũ 2022 diễn biến tích cực ngay đầu năm với nhiều yếu tố hỗ trợ như: nguy cơ lạm phát cao ngay đầu năm cho tới xung đột địa chính trị kéo dài.
Vàng tưởng chừng đã có một môi trường hoàn hảo để tăng giá. Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý không giữ được thành quả, giảm ngay từ đầu tháng 3/2022, từ đỉnh 2.050 USD/ounce xuống gần 1.620 USD/ounce trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9-đầu tháng 11/2022 theo đà tăng giá của đồng USD.
Từ đầu tháng 11/2022 tới nay, vàng hồi phục ấn tượng và bứt phá vào đầu tháng 1/2023, lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Trong nước, dấu ấn của thị trường vàng là giá được duy trì giảm chậm trong khi tỷ giá USD/VND nhiều thời điểm tăng nhanh, do vậy chênh với giá thế giới quy đổi liên tục gia tăng, và lên mức kỷ lục tới 18-19 triệu đồng/lượng hồi giữa tháng 5/2022.
Thị trường vàng trong nước năm 2022 không phản ánh sát xu hướng chung trên thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2022, dù chênh vàng ở mức kỷ lục nhưng không có hiện tượng sốt vàng, rút tiền tiết kiệm ồ ạt mua vàng. Giao dịch ở mức thấp.
Trong năm 2023, nhiều tổ chức đưa ra dự báo khá tích cực về triển vọng giá vàng cho dù mặt hàng này vẫn đối mặt với trở ngại từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Nhiều nước vẫn phải nỗ lực thiết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Nhiều tổ chức dự báo, giá vàng miếng giao ngay có thể sẽ sớm vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce ngay trong năm 2023 khi Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc thậm chí dừng tăng lãi suất...
Trên Kitco, nhà đầu tư nổi tiếng Nouriel Roubini cho rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều mối đe dọa rất lớn, bao gồm chiến tranh, khủng hoảng nợ và “quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học. Giá vàng đang ở trong xu hướng tăng. Vàng có thể lên 3.000 USD/ounce (86,2 triệu đồng/lượng) vào năm 2028.
Trong năm 2023, chiến lược gia từ Ngân hàng Saxo dự báo vàng sẽ tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ được dự báo suy thoái, rủi ro chứng khoán gia tăng, đồng USD quay đầu giảm và lạm phát vẫn còn ở mức cao.
Vàng được dự báo có triển vọng tích cực và thậm chí đạt đỉnh cao mọi thời đại trong năm 2023 khi ngân hàng trung ương các nước đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm. Theo đó, một thị trường uptrend (tăng giá) đối với vàng đã bắt đầu và giá vàng có thể vượt quá ngưỡng 2.100 USD/ounce.
Trước đó, chuyên gia Gary Wagner đến từ TheGoldForecast dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.250 - 2.400 USD/ounce trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng.
Theo Nouriel Roubini, giới trẻ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Nhật không muốn lập gia đình và sinh đẻ. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc báo cáo tỷ lệ tăng trưởng dân số của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 61 năm qua, bất chấp những nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh con trong vài năm qua.
“Quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học dẫn tới tình trạng suy giảm dân số. Điều đó khiến lĩnh vực tiêu dùng cùng nền kinh tế phải chịu tổn thất, trong đó có tiêu dùng vàng.
Thị trường vàng tiếp tục phụ thuộc vào biến động đồng USD
Vàng là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh xuất hiện nhiều bất ổn về chính trị và tài chính. Xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài và ảnh hưởng tới kinh tế thế giới ở nhiều phương diện. Thị trường tài chính thế giới hiện có nhiều tín hiệu bất ổn.
Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng chính từ biến động đồng USD.
Vàng tăng mạnh trở lại vào đầu năm 2023 trong bối cảnh đồng USD sụt giảm. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 102 điểm vào hôm 20/1. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 6/2022.
Trước đó, chỉ số DXY đạt đỉnh ở 115 điểm hôm 28/9/2022. Như vậy, cho đến 20/1/2023, đồng USD đã giảm 11,3% so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt. Nó cũng tương ứng với đà tăng của giá vàng.
Trên Kitco, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng, năm mới 2023 đang ghi nhận sự hỗ trợ dòng vốn mới chảy vào tất cả các loại tài sản, trong đó có vàng.
Tuy nhiên, ông Staunovo lưu ý rằng, việc lãi suất của Mỹ còn tăng và lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vàng cho đến khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chuỗi tăng lãi suất kỷ lục, kéo dài trong suốt năm 2022 tới nay. Nhiều khả năng, Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Trước đó, tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki cho rằng, thời điểm cuối năm 2022 là cơ hội cuối cùng để mua vàng và bạc với giá thấp.
Chuyên gia Gary Wagner đến từ TheGoldForecast dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.250 - 2.400 USD/ounce trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng, qua đó khiến Mỹ buộc phải vay hoặc in thêm tiền.
Vào cuối năm 2022 và đầu 2023, nhiều số liệu cho thấy kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn sau chuỗi ngày Fed thực hiện 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022 (thêm 425 diểm phần trăm từ mức 0%-0,25%/năm lên 4,25%-4,5%/năm). Những tín hiệu xấu đã khiến giới đầu tư đánh cược vào khả năng Fed có thể sẽ phải làm chậm quá trình tăng lãi suất.
Một đồng USD giảm đã tác động tích cực lên mặt hàng kim loại quý.
Nhiều tín hiệu cho thấy, Fed sẽ tăng lãi suất ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và mức đỉnh có thể chỉ lên 4,8-5%, thay vì dự báo 5,5% như trong các dự báo trước đó. Fed nhiều khả năng sẽ đảo chiều giảm lãi suất ngay trong nửa cuối năm 2023. Đây là yếu tố gây sức ép lên đồng USD và tích cực đối với vàng.
Thị trường vàng thế giới cũng được hưởng lợi khi sức cầu được dự báo gia tăng khi Trung Quốc mở cửa sau 3 năm chống Covid (kể từ 8/1).
Theo Vietnamnet