Nhiệt độ thấp có thể làm tăng khả năng mắc bệnh
Cơ chế bảo vệ của cơ thể trở nên không hiệu quả trong việc chống lại vi-rút khi không khí lạnh xâm nhập vào khoang mũi và đường hô hấp trên, vì vậy các loại vi-rút như cảm lạnh thông thường, cúm và COVID-19 thường dễ lây lan hơn vào mùa đông.
Rhinoviruses, nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh, có khả năng sinh sản tốt hơn ở nhiệt độ ngay dưới 37 độ C của cơ thể. Để tìm hiểu lý do tại sao, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu cách một loại vi-rút cảm lạnh thích nghi với chuột tồn tại trong phổi và khoang mũi của loài gặm nhấm. Báo cáo của Monte Morin cho Los Angeles Times, viết: Những gì họ phát hiện ra là khi vi-rút xâm nhập vào các tế bào ấm hơn, các tế bào chủ tạo ra nhiều interferon hơn đáng kể - protein "can thiệp" vào sự lây lan của vi rút bằng cách cảnh báo các tế bào khỏe mạnh về sự hiện diện của nó và kích hoạt phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, khi hít khí lạnh vào khoang mũi, hệ thống cảnh báo này kém hiệu quả hơn và cho phép vi- rút lây lan dễ dàng hơn.
Cảm lạnh thông thường chính là nhiễm trùng do vi-rut, nhưng có hơn 200 loại virut khác có thể gây cảm lạnh với các biểu hiện như ho, đau họng, sổ mũi và hắt hơi.
Và khi cơ thể suy giảm sức miễn dịch nhất là ở người già, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em mắc các bệnh làm thay đổi hệ thống miễn dịch như các bệnh dị ứng, bệnh hệ thống… thì quá trình viêm từ mũi họng rất dễ lan xuống thành viêm phổi và thậm chí có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp.
Cách phòng tránh bệnh Tai- Mũi-Họng khi trời trở lạnh
Từ cơ chế đó, chúng ta có thể có một số cách phòng tránh viêm nhiễm dẫn đến các bệnh lý Tai -Mũi- Họng như:
1. Hạn chế ra ngoài trời sớm (trước 6 giờ sáng) hoặc muộn (sau 8 giờ tối). Nhất là trẻ em, nên hạn chế đi chơi xa, hạn chế đến những nơi đông đúc hoặc những nơi có nhiều dị nguyên như vườn bách thú…
2. Khi ra ngoài trời, luôn có khẩu trang để tránh không khí lạnh đi trực tiếp vào khoang mũi.
3. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng ăn uống đủ chất, luyện tập thể thao phù hợp với sức khoẻ, ngủ đúng giờ và hạn chế thuốc lá, bia rượu lạnh.
4. Rửa tay trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với các bề mặt không sạch. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Đứng cách xa những người đang có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi…
5. Tiêm vaccine phòng cúm hàng năm (các chủng cúm thống thường).
6. Điều trị sớm khi có những biểu hiện của bệnh: khô họng, rát họng, sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi… bằng cách uống nước ấm, sử dụng thuốc chống xung huyết mũi, hạ sốt, giảm đau, giảm ho… Nếu bệnh không thuyên giảm sau 02 ngày hoặc có các dấu hiệu tăng nặng, cần đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời./.