Ngoại tham vọng
Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc Uniqlo, cho biết, từ nay tới cuối năm, đơn vị này khai trương thêm 3 cửa hàng mới tại Hà Nội. Ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội ngay thời điểm dịch 2020, Uniqlo là thương hiệu có tốc độ phát triển nhanh nhất tại thị trường Việt Nam. Chỉ sau 3 năm, thương hiệu này đã có 15 cửa hàng bán lẻ và online.
Cũng đến từ Nhật, Aeon có bước phát triển mạnh mẽ. Khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014, Aeon mở rộng kinh doanh tại 5 tỉnh, thành trên toàn quốc với 7 trung tâm mua sắm, bách hóa tổng hợp và siêu thị; các siêu thị vừa và nhỏ, 2 trung tâm phân phối và sàn thương mại điện tử Aeon Eshop. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản để tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh.
Trên tờ Nikkei, Central Group tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để mở rộng mạng lưới bán lẻ với quy mô 710 địa điểm kinh doanh, gấp đôi con số hiện tại. Ông Olivier Langlet, CEO Central Retail Việt Nam, cho hay công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ baht (hơn 2,6 tỷ USD) vào năm 2026.
Lotte của Hàn Quốc đang vận hành các trung tâm mua sắm và kế hoạch sẽ mở thêm nhiều siêu thị tại các tỉnh thành. Lotte từng coi Trung Quốc là trọng điểm sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng sau đó đã rút khỏi thị trường này và nâng vị thế Việt Nam lên thứ ba.
Ở lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện Lazada Việt Nam đánh giá, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh mẽ và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một thị trường thương mại điện tử lớn nhất nhì trong khu vực - các xu hướng phát triển cũng sẽ tương tự những gì đang xảy ra ở thị trường Thái Lan và Phillipines.
Để đón đầu các xu hướng phát triển đó, Lazada đưa ra nhiều sáng kiến mới về công nghệ và tập trung nâng cao năng lực giao vận và hệ thống kho bãi, cũng như các giải pháp tiên tiến hỗ trợ nhà bán hàng và thương hiệu Việt chuyển đổi số và kinh doanh hiệu quả hơn trên thương mại điện tử.
Nội bứt tốc
Trong cuộc đua thị phần bán lẻ, doanh nghiệp nội đang giữ vị thế ngang tài ngang sức với đại gia ngoại. Masan vừa đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích Win tại Hà Nội và TP.HCM, phục vụ gồm nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dược phẩm và chuỗi F&B, dịch vụ viễn thông. Masan dự kiến mở từ 80 đến 100 cửa hàng trên cả nước. Còn WinCommerce mở thêm hơn 700 cửa hàng WinMart+ và hơn 20 siêu thị, đại siêu thị WinMart.
Thiso (thành viên của Thaco) hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. (Hàn Quốc). Emart đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.
Tiến sâu vào ngành hàng tiêu dùng, Nova Group đang từng bước phát triển danh mục sản phẩm và hệ thống phân phối, bán lẻ, trong đó có chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị thực phẩm Nova Market và Nova Mall. Nova Consumer hoàn tất thương vụ M&A Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc.
Saigon Co.op cũng đang đẩy nhanh tiến độ để có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Vincom Retail có kế hoạch mở rộng khoảng 1,4-2 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ trong thời gian 4 năm tới. Các mảng bán lẻ khác như điện thoại di động, dược phẩm thì ưu thế thị phần cũng đang thuộc về các doanh nghiệp nội như Thế giới di động, FPT.
Triển vọng
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất khi so sánh với cùng kỳ của các năm 2018-2021. Có thể thấy, ngành bán lẻ đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền Covid. Theo tính toán, từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10%.
Năm 2020, khi đại dịch tác động tiêu cực tới các nền kinh tế Thái Lan và Indonesia, Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội tính theo giá trị thực là 2,9%, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất của Đông Nam Á tăng trưởng.
Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Savills, nhận định, thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ.
Ngành bán lẻ ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn trong việc di chuyển quốc tế đã thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt. Do không thể bay ra nước ngoài, họ đã làm quen với việc mua sắm trong nước.
Theo đánh giá của cá chuyên gia, cạnh tranh trong thị trường ngành bán lẻ vô cùng khốc liệt bởi nhu cầu của người tiêu dùng khắt khe hơn, đối thủ thì không ngừng cải tiến chuyên nghiệp và hiện đại.
Đại diện Sapo cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường để chiếm lĩnh thị phần, kể cả thị trường ngách để đủ sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài. Những cái tên đời đầu như Metro, Big C, Fivmart hay Viễn thông A đã biến mất là bài học cảnh báo cho các doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại.
Theo Vietnamnet