Ngày 22/2, tại buổi gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tiếp nhận bản kiến nghị dài 30 trang và mổ xẻ vấn đề ngay tại hội trường. Trong buổi tiếp xúc doanh nghiệp đầu năm, ông Phong khiển trách trực tiếp các sở ngành vì phối hợp lỏng lẻo khiến thủ tục kéo dài, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Lê Hoàng Châu cho biết, 2 năm qua, những dự án vướng mắc pháp lý lên đến con số hàng trăm và tình hình thanh kiểm tra khiến hàng loạt dự án đứng hình. Ông Châu kiến nghị thành phố rút ngắn các thủ tục, trình tự phê duyệt dự án xuống còn 5 bước để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo đó, bước 1 là lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư giao Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp cùng Tổ chuyên gia. Bước 2 là lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì. Bước 3 là lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất do Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức thực hiện.
Bước 4 là công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng, giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện. Bước 5 là lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, do giao Sở Tài nguyên Môi trường cùng Sở Tài chính cùng thực hiện.
Hội trường nóng lên khi ông Lê Hữu Nghĩa, đại diện Công ty Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển nhà ở xã hội đề nghị rút ngắn từ 5 bước thụ lý hồ sơ pháp lý dự án xuống còn 4 bước. Lý do 5 bước thủ tục cho nhà ở thương mại nhưng dự án ông triển khai là nhà ở xã hội, được miễn tiền sử dụng đất nên cần rút ngắn quy trình hơn nữa.
Ông Nghĩa kể đang thực hiện dự án hơn 2.000 căn nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên huyện Bình Chánh và bị xét hồ sơ theo quy trình nhà ở thương mại. Dự án của ông bị chuyển lòng vòng từ Sở Kế hoạch đầu tư sang Sở quy hoạch kiến trúc gần một năm, chỉ vì không thống nhất các chỉ tiêu quy hoạch về chiều cao công trình và mật độ xây dựng.
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Sở Kế hoạch Đầu tư lập tức bị yêu cầu đối chất và giải thích rằng sở có trách nhiệm lấy ý kiến các sở ban ngành, trong đó Sở Quy hoạch Kiến trúc không thống nhất chỉ tiêu quy hoạch của dự án này nên không thể duyệt hồ sơ. Khi bị chất vấn hồ sơ doanh nghiệp bị đứng ở khâu này mất bao lâu, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc trả lời mất 11 tháng. Do cấp dưới thụ lý nên không nắm cụ thể trường hợp Công ty Lê Thành, chỉ được báo cáo lại vướng mắc nằm ở sự bất hợp lý, mâu thuẫn các con số chỉ tiêu mật độ xây dựng và chiều cao công trình.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khiển trách ngay tại hội trường: "Chuyện rất nhỏ tại sao phối hợp các sở kéo dài 11 tháng? Hãy đặt mình là doanh nghiệp xem có chịu được không? Cần phải hướng dẫn cho doanh nghiệp và phải tìm giải pháp, không thể để doanh nghiệp chờ đợi thêm".
Đồng tình với ông Phong, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng cho rằng lẽ ra lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc phải nhìn thấy sự vênh nhau giữa các con số và đề xuất giải pháp. "Chuyên viên đôi khi chỉ cứng nhắc bám theo con số, nhưng lãnh đạo cần tìm hướng xử lý. Chưa kể đây là nhà ở xã hội có chỉ tiêu khác nhà ở thương mại và thuộc diện được khuyến khích", ông Hoan nhắc nhở.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty Địa ốc Xanh kể ông thực hiện dự án tại quận 8, thủ tục pháp lý cứ bị chuyền đi chuyền lại nhiều sở ngành, kéo dài 2 năm. Ông Đực đề xuất thành phố áp dụng quy trình 3G.
G1 là giảm luật lệ. G2 là gom thủ tục lại. Ví dụ hai hay ba thủ tục gom vào làm một, đặc biệt đối với thủ tục các dự án nhỏ đã giải phóng mặt bằng cần rút ngắn thủ tục để giảm gánh nặng hành chính. G3 là thụ lý gấp, có nghĩa là mỗi bước thực hiện trình tự thủ tục đều phải đẩy nhanh tiến độ. "Nếu thành phố thực hiện được quy trình 3G thì sẽ không còn phải mất thời gian lắng nghe doanh nghiệp kêu cứu như hôm nay", ông Đực nói.
Đại diện Công ty Novaland cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi các quy định quản lý đất đai thiếu sự nhất quán và chờ kết quả thanh tra kiểm tra, nhưng gần đây các dự án tại quận 1, 2, 4, Bình Thạnh và 7 dự án tại Phú Nhuận từng bước được tháo gỡ vướng mắc.
Doanh nghiệp kiến nghị UBND TP HCM xem xét một số công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Novaland đang quản lý sử dụng các khu đất theo hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, các sở ngành còn phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình này. Đối với dự án 30 ha tại Bình Khánh, quận 2, doanh nghiệp kiến nghị thành phố cho tiếp tục hoàn thành các hạng mục đang triển khai thi công dở dang.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đã được thành phố hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc tại 6 trên 12 dự án. Tuy nhiên bà Loan mong UBND thành phố xem xét giải quyết một số thủ tục bị vướng ở dự án Phước Kiển, Nhà Bè. Đây là dự án quy mô lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, được chấp thuận đầu tư hạ tầng 2017, nay sắp hết hạn. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp quay lại Sở kế hoạch đầu tư để làm các thủ tục chấp thuận đầu tư.
Thế nhưng vì dự án có vốn của nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông ngoại bất bình vì họ đã chờ 3 năm để theo đuổi dự án. Nay phải chờ thêm nhiều thủ tục nữa doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn chồng chất. Đây là dự án sống còn của doanh nghiệp, cũng đã từng đóng góp không nhỏ cho ngân sách thành phố. Cộng 3 loại thuế của dự án này lên đến 10.000 tỷ đồng. "Nếu thủ tục pháp lý kéo dài, nhà đầu tư nước ngoài nản xin rút, tôi không có tiền để trả", bà Loan giãi bày.
Ông Hoan thừa nhận, các dự án trên địa bàn thành phố đang bị ách tắc vì vướng 3 điểm. Thứ nhất là vướng luật do luật này đá luật kia, quy định này vênh quy định kia. Thứ hai là nhận thức vướng, các sở không dám quyết vì sợ trách nhiệm khi thanh tra kiểm tra. Từ đó dẫn đến khâu vận hành cũng vướng.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, 19 doanh nghiệp có hàng chục dự án kéo dài, thành phố sẽ lập tổ công tác giải quyết hàng tuần. Vướng mắc nào có thể tháo gỡ được thì đẩy nhanh, cố gắng 30/4 dứt điểm để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.
Năm 2019, TP HCM có 124 dự án bất động sản án binh bất động. Thành phố buộc phải phân chia ra thành 2 nhóm để xử lý. Nhóm thứ nhất là các dự án có thể tháo gỡ được và nhóm còn lại là những dự án phải chờ đợi kết luận thanh tra. Độ vênh của các điều khoản luật, thành phố đã có tổng hợp và sẽ báo cáo với đoàn đại biểu quốc hội về vấn đề này.
"Lời cự nự của tôi tại hội trường hôm nay vì sự chờ đợi kéo dài của doanh nghiệp có ý nghĩa lay động trách nhiệm của các sở ngành", ông Phong nói và cho hay với trách nhiệm là người đứng đầu, ông tiếp nhận phê bình của doanh nghiệp về sự phối hợp lỏng lẻo giữa các sở ngành, cần phải khắc phục.
Ông yêu cầu vướng mắc liên quan đến sở ngành nào thì lãnh đạo nắm rõ và có kiến nghị kịp thời, tránh để vướng mắc như của Công ty Lê Thành, do cử cán bộ đi họp nên lãnh đạo sở trả lời là không nắm rõ.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các sở vận dụng tối đa quy định của pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Việc nào chưa rõ thì xin ý kiến, nếu không xong thì "khăn gói ra gặp các bộ, ngành, Chính phủ" để tìm giải pháp.
Trung Tín (Vnexpress)