Đến nay, hàng nghìn doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm vì Covid-19. Điển hình như gần 2,8 triệu lao động ngành dệt may, gần nửa triệu lao động ngành hàng không, đường sắt, đường bộ... đã bị ảnh hưởng. Thậm chí, con số người lao động mất việc có thể lên tới 1,32 triệu nếu dịch kéo dài, theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.
Song những giải pháp đang được Chính phủ áp dụng và đề xuất thực hiện, theo nhiều chuyên gia, mới chỉ giảm áp lực tài chính, dòng tiền cho chủ doanh nghiệp trong khi với mỗi người dân, việc giảm thu nhập và gánh nặng chi tiêu gia tăng giờ không chỉ là nguy cơ.
Cho chậm quyết toán thuế 2019
Chia sẻ với VnExpress, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, trước mắt có thể giảm áp lực tài chính cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động bằng việc hoãn thời gian quyết toán thuế năm 2020. Thay vì đúng hạn cuối tháng 3, tất cả người lao động phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân và một số khoản thuế khác của năm 2019, ông Ánh cho rằng nên cho phép chậm quyết toán từ 6 tháng tới 1 năm.
Nhân viên một nhà hàng trên phố đi bộ Bùi Viện (TP HCM) lau dọn dù phải đóng cửa tối 14/3 vì ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần
"Người dân có thể chuyển số tiền đáng ra phải thực hiện nghĩa vụ thuế sang phục vụ chi tiêu cá nhân và gia đình. Còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất - kinh doanh khi Covid-19 kết thúc. Cuối cùng, họ sẽ có khả năng thanh toán các khoản thuế đã được giãn", ông Ánh nói.
Đồng tình, TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế, cho rằng cần có nhiều phương án để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các đối tượng yếm thế khác.
Theo ông Thành, Chính phủ Mỹ đã đề xuất áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy thông qua kế hoạch chi cho mỗi công dân 1.000 USD, trong đó có những đối tượng đóng bảo hiểm, có lương đều được hưởng.
"Với Việt Nam, chúng ta cần quan tâm tới đối tượng dễ chịu tổn thương như không được đóng bảo hiểm, không có lương hơn cả. Bên cạnh giải pháp chi – giao trực tiếp, Chính phủ có thể sử dụng voucher để người dân mua hàng hoá thiết yếu như mắm, muối, gạo khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn", ông Thành đề nghị.
"Voucher" theo ông Thành là việc Chính phủ phân phối những phiếu mua những hàng hóa thiết yếu như một hình thức hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO thì đề xuất tập trung hơn cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. "Thậm chí Chính phủ phải chấp nhận chi ra nhiều hơn, giảm nguồn thu từ hai loại bảo hiểm nêu trên. Nếu thiếu dự trữ, sau này sẽ tính toán nhằm cân đối, bổ sung", ông nói.
Khó giảm VAT, thuế thu nhập cá nhân
Hiện Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp tài khóa như giãn nộp thuế, dừng đóng bảo hiểm xã hội... với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên nghĩ tới việc hỗ trợ người dân thông qua giảm Thuế Giá trị gia tăng (VAT), Thuế Thu nhập cá nhân để bớt gánh nặng chi tiêu, kích cầu.
Về việc này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng khó khả thi bởi ngân sách Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn thu và dư địa thu đang hẹp dần, trong khi các khoản chi cho y tế rất lớn. "Nếu làm vậy, ngân sách Nhà nước sẽ không đủ nguồn lực chi cho đầu tư phát triển và các hoạt động khác sau dịch bệnh".
TS. Võ Trí Thành nói thêm: "Hàng hóa tiêu dùng tại Việt Nam đang chịu VAT 5% hoặc 10%. Nếu giảm thuế, cần giảm hẳn về 0% với một số mặt hàng. Bởi phương án giảm mức chịu thuế một vài phần trăm sẽ tạo ra sự phức tạp trong quyết toán thuế, kê khai sổ sách sau này".
Ngoài ra, ông Vũ Đình Anh cho rằng Chính phủ cần phân loại người lao động thành nhiều nhóm khác nhau để thiết kế giải pháp phù hợp.
Với đối tượng mất việc làm, bị giảm hoặc mất thu nhập, chủ yếu ở nhóm chịu nhiều tác động của Covid-19 như du lịch, khách sạn, dịch vụ... cần được tạo cơ hội, điều kiện để tìm kiếm thu nhập khác thông qua dịch chuyển công việc tạm thời.
"Không thể để họ ngồi nhà nhận trợ cấp vì Chính phủ không đủ nguồn lực, dư địa ngân sách làm thế. Nó cũng không phù hợp với đặc tính con người Việt Nam, chúng ta rất linh hoạt trong vấn đề thay đổi việc làm, tìm kiếm thu nhập bên ngoài", ông Ánh phân tích.
Với người không hoặc tạm thời chưa có khả năng tìm kiếm thu nhập, ông Ánh tiếp tục phân loại thành nhóm có bảo hiểm thất nghiệp và không.
"Với nhóm có bảo hiểm thất nghiệp, cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ cho họ. Với nhóm không có bảo hiểm thất nghiệp, cần có gói hỗ trợ họ trong thời gian tìm kiếm, chuyển đổi công việc khác. Gói này cũng không nên trông chờ nhiều vào nguồn lực ngân sách, mà nên thu hút nguồn lực hỗ trợ thông qua vận động xã hội hóa", ông Ánh cho biết.
Về dài hạn, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc sẽ gia tăng trong tháng 4/2019. Đây là thời điểm các cơ quan tham vấn chính sách cho Chính phủ tính tới bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động.
"Cần gắn chương trình chuyển dịch lao động tạm thời với kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động dài hạn. Chính phủ phải có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi", TS. Vũ Đình Ánh nói.
Nguyên Phương (Vnexpress)