Nguồn cung xăng dầu thế giới không dồi dào
Báo cáo về việc tiếp cận nguồn xăng dầu nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% xăng dầu từ bên ngoài, trong bối cảnh các nước lớn như EU, Mỹ hay Trung Quốc tăng cường mua gom xăng dầu dự trữ đã khiến doanh nghiệp Việt khó tiếp cận xăng dầu giá rẻ, thậm chí phải mua với giá thành cao. Điều này khiến giảm năng lực và hiệu quả nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hơn 1 tháng qua, thị trường xăng dầu trở lại bình thường, cung cầu đảm bảo, giá giảm vào cuối năm, giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, dự báo trong năm 2023, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ vẫn gặp những khó khăn nhất định, nguyên nhân cơ bản là xăng dầu thành phẩm, phần lớn dầu thô phụ thuộc thị trường thế giới. Trong khi đó, thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro khó lường do xung đột địa chính trị.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, trong năm 2023 xu hướng nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng trong tháng 1/2023, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng tạm thời để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC. Sự cố này khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của Nghi Sơn bị giảm khoảng 20 - 25% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8/2023, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Bình Sơn) sẽ tổ chức đại tu lần thứ 5. Việc này sẽ khiến sản lượng xăng dầu trong nước sụt giảm, phải phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu. Bộ Công Thương đã chủ động phân giao cho các đầu mối, DN lớn để chủ động nhập xăng dầu.
Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2023, tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới chậm lại do tăng trưởng kinh tế không đạt dự báo đề ra, nguồn cung có thể bị gián đoạn. Đáng chú ý, do Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ quốc gia nào, thêm vào đó các nước OPEC đảm bảo thu nhập của họ thông qua giữ giá, tăng giá nên quyết định cắt giảm sản lượng.
Động thái này dẫn tới sản lượng dầu toàn cầu không như dự báo ban đầu tăng trưởng cao. Các giai đoạn khủng hoảng xảy ra quyết định về sản lượng, sản lượng trên thị trường thế giới có biến động, dẫn tới Việt Nam khó tìm bạn hàng, thị trường mua dầu.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước
Thông tin về nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý IV/2022, khoảng 5,5 triệu m3/tấn cho 36 doanh nghiệp đầu mối. Năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu mối, điều lo ngại nhất là nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang khá khó khăn, trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu có giá rất cao.
“Tính đến hết ngày 15/12/2022, giá dầu thô nhập về Việt Nam bình quân là 17,7 triệu đồng/tấn, cùng kỳ năm trước chỉ 11,8 triệu đồng/tấn, mức giá tăng gần 50%, khiến chi phí và giá thành có thể tăng cao trong năm 2023, tạo áp lực lớn cho các nhà máy lọc dầu trong nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Xác định công tác điều hành thị trường xăng dầu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đặc biệt là sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường. Từ đó, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; đề xuất các giải pháp kịp thời để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.