Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2018, tăng 7 người so với năm trước đó. Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với 31%.
Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam có 12.327 triệu phú năm 2018, tăng 5% so với năm trước đó. Năm 2023, con số này được dự báo lên tới 15.776 người.
Bên ngoài một cửa hàng thời trang cao cấp tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
Báo cáo nhận định dù triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám, của cải trên thế giới vẫn không ngừng được tạo ra. Thế giới có gần 200.000 người siêu giàu năm 2018. Hơn hai phần ba số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất, với hơn 70.000 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%.
Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống, cơ sở vật chất về giao thông và bệnh viện là các yếu tố thu hút người siêu giàu đến sống tại các thành phố lớn.
Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Họ dự báo 5 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức.
Một số sở thích chi tiêu của người giàu cũng được chỉ ra trong báo cáo, đó là rượu, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.
Theo Hà Thu (vnexpress.ne)