Chứng khoán Việt Nam bắt đầu năm nay trong sắc xanh, tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm ngay tháng đầu tiên. Tuy nhiên, cũng như các thị trường lớn trên thế giới, VN-Index bị nhấn chìm vào cuối quý I và đầu quý II do chịu tác động mạnh bởi Covid-19. Mặc dù trở lại cuối quý II, VN-Index vẫn kết thúc nửa đầu năm trong sắc đỏ, thấp hơn 15% so với đầu năm.
Dự báo cuối năm, các công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể nới rộng đà tăng lên vùng 900, thậm chí tiếp cận ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, cận dưới trong dự báo đa phần đặt trong biên độ thấp hơn tới 100 điểm thay vì chỉ 10-20 điểm, do lo ngại những biến số như làn sóng Covid-19 thứ hai hay sự đứt gãy trở lại của chuỗi cung ứng và nhu cầu trên toàn cầu.
Đánh giá diễn biến Covid-19 là yếu tố "mang tính quyết định", Công ty chứng khoán KB đưa ra kịch bản cơ sở là làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ không diễn ra tại Việt Nam, trong khi trên toàn cầu, khả năng bùng phát có thể trở lại tại một số nước nhưng tác động hạn chế hơn. "Dựa trên kịch bản cơ sở này, chúng tôi lạc quan cho rằng vùng giá thấp nhất của thị trường đã rơi vào giai đoạn cuối tháng 3, giai đoạn đỉnh điểm của tình hình dịch trong nước", nhóm phân tích từ KB Việt Nam nhận xét.
Cùng quan điểm, VNDirect cũng cho rằng làn sóng thứ hai của Covid-19 có thể phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh của các công ty niêm yết, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng. Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ Trung, hoặc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong quý IV có thể tạo ra sự kiện "thiên nga đen". Ở chiều tích cực, nhóm phân tích cho rằng dòng tiền từ khối ngoại cũng như khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành hay các hiệp định thương mại có thể tạo "cú hích" trong nửa cuối năm.
"Chúng tôi ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm 5-6% cùng kỳ. VN-Index có thể duy trì ở mức định giá hiện tại và đạt khoảng 840-920 điểm vào cuối năm", báo cáo của VNDirect nhận xét.
Là bên đưa ra dự báo tích cực nhất khi đánh giá VN-Index có thể dao động trong khoảng 900-1.000 điểm, KIS Việt Nam cho biết những đánh giá này dựa trên việc "định giá lại thị trường".
"Trong khi nền kinh tế hiện nay ít bị tổn thương hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, khoảng cách giữa lợi tức cổ phiếu với lãi suất tiết kiệm hiện ở mức cao kỷ lục so với các con số âm của năm 2008-2012", báo cáo của KIS viết và cho rằng điều này khiến chứng khoán trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Về khía cạnh vĩ mô, hai biến số không chắc chắn lớn nhất được các công ty chứng khoán đề cập vẫn là hoạt động xuất - nhập khẩu khi Covid-19 diễn biến phức tạp tại những thị trường lớn và ảnh hưởng của nhóm dịch vụ do thiếu hụt lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năm nay có thể vẫn giữ tích cực nhờ vào việc thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm và các biện pháp như giảm lãi suất, tung ra các gói hỗ trợ tiếp theo.
Triển vọng ngành cuối năm, Công ty chứng khoán KB Việt Nam đánh giá "tích cực" với nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ thông tin và nhiệt điện. Những ngành hút dòng tiền gần đây như cảng biển, bất động sản hay ngân hàng được khuyến nghị ở mức trung lập, còn dầu khí bị đánh giá tiêu cực. Trong nhóm công nghệ thông tin, động lực chính sẽ nằm ở mảng xuất khẩu phần mềm.
"Covid-19 được kì vọng không gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh mảng xuất khẩu phần mềm do đặc thù ngành có thể làm việc tại nhà, nhu cầu về công nghệ tăng cao do các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp trong mùa dịch", báo cáo của KB Việt Nam viết.
Ngành bán lẻ được dự báo tích cực khi hoạt động mua bán hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại sau giai đoạn giãn cách. Còn nhiệt điện có thể hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng.
Với ngành bất động sản, KB Việt Nam cho rằng rủi ro dịch bệnh quay trở lại đã khiến tâm lý bên mua có phần mang tính "phòng thủ", ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và khả năng hấp thụ của thị trường.
Ngành ngân hàng cũng không quá tích cực do tăng trưởng tín dụng chậm, biên lợi nhuận bị ảnh hưởng từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Tiếp cận theo những xu hướng về vĩ mô, VNDirect cho rằng các nhóm ngành tiềm năng trong nửa cuối năm là vật liệu xây dựng nhờ hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp nhờ hưởng lợi từ việc dịch chuyển làn sóng đầu tư và các nhóm phục hồi nhanh hơn kỳ vọng như bán lẻ, công nghệ, điện và hàng không.
VN-Index chạm đáy cuối tháng 3 trước khi phục hồi trở lại trong quý II. Ảnh: Trading View.
Trước đó, thị trường chứng khoán bắt đầu năm nay với kỳ vọng VN-Index trở lại ngưỡng kỷ lục bốn chữ số. Nhưng kỳ vọng này đã bị dập tắt bởi đại dịch. Chỉ số đại diện Sở HoSE bắt đầu lao dốc từ đầu tháng 2 và chạm đáy 660 điểm vào ngày 24/3, mất hơn 30%.
Đến quý II, thị trường phục hồi với thanh khoản tăng đột biến do lượng nhà đầu tư "F0" tham gia bắt đáy. Giá trị giao dịch bình quân trên HoSE tăng hơn 52% so với cùng kỳ, trong đó có sự đóng góp lớn đến từ số lượng tài khoản chứng khoán được mở mới cao kỷ lục.
Theo VNDirect, đồ uống, bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ và du lịch - giải trí là những ngành sụt giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm. Những lĩnh vực này cũng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Ở chiều ngược lại, ngân hàng và thực phẩm - hai nhóm "trụ" của VN-Index, có mức giảm thấp hơn, còn hóa chất, thép và viễn thông vẫn duy trì xu hướng tích cực
Minh Sơn (Vnexpress)