Áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra trong các phiên sắp tới
Thị trường chứng khoán có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng khá và thanh khoản tuy giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, VN-INDEX tăng 8,14 điểm (+0,66%) lên 1.249,76 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 269 mã tăng (10 mã tăng trần), 79 mã tham chiếu, 182 mã giảm (1 mã giảm sàn). HNX-INDEX tăng 2,27 điểm (+0,77%) lên 298,11 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 128 mã tăng (9 mã tăng trần), 46 mã tham chiếu, 80 mã giảm (6 mã giảm sàn).
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 (+0,3%) tăng yếu hơn so với thị trường chung với 14/30 mã tăng. Cổ phiếu ngành thép gây ấn tượng trong phiên 3/8 với mức tăng mạnh khi dòng tiền đổ vào nhóm này khá mạnh. Cổ phiếu vận tải biển, nông nghiệp cũng có một phiên giao dịch tích cực với sắc xanh bao phủ. Nhóm ngân hàng và chứng khoán giảm vào đầu phiên nhưng tăng trở lại về cuối phiên để hỗ trợ cho thị trường chung với: STB (+2%), SHB (+1%), CTG (+1,7%), BID (+2,1%), TPB (+1,3%)...; VND (+1,9%), SSI (+1,5%), VCI (+3%), SHS (+2,1%), VIX (+1,7%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản kể từ đầu tuần liên tục được duy trì trên ngưỡng 15.000 tỷ đồng là điểm nhấn đáng chú ý, ở 4 tuần trước đó mức thanh khoản bình quân chỉ đạt quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 2.000 tỷ đồng trong 3 phiên vừa qua là nhân tố đóng góp vào chuỗi tăng thuyết thục của thị trường.
“Thị trường đang cho thấy có những dấu hiệu mạnh khi nhịp điều chỉnh trong phiên nhanh chóng qua đi dù đã tăng hơn 3 tuần liên tiếp. Mức độ phân hóa ở cổ phiếu tích cực, dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt từ ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, dầu khí, điện,… Chỉ số VN-Index đang tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.250 điểm, áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra trong các phiên sắp tới ở vùng 1.250 điểm – 1.262 điểm”, chuyên gia của MBS nhận định.
Rung lắc sẽ xảy ra mạnh hơn khi VN-Index tiếp tục hướng lên vùng điểm 1.280
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco), về đồ thị kỹ thuật, chỉ số đang tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm cùng chỉ báo động lượng RSI dần vào vùng quá mua, do đó, khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh khi tiệm cận ngưỡng này.
“Rủi ro giảm giá mạnh khó có thể xảy ra do thị trường duy trì trong xu hướng tăng giá kèm lực cầu tham gia tốt; đồng thời, dòng tiền khối ngoại liên tục hỗ trợ thị trường trong các phiên gần đây. Vì vậy, nhà đầu tư có thể duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và gia tăng tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện tốt, tuy nhiên, sự phân hóa đã xuất hiện rõ ràng hơn khi dòng tiền đang tập trung vào một số nhóm ngành nhất định như thép, dịch vụ tài chính, điện, nước. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa tạo nến xanh tăng điểm xuyên vào mây ichimoku và tiến lên khu vực kháng cự 1.250. Bên cạnh đó, 2 chỉ báo MACD và RSI ở khung đồ thị ngày vẫn tiếp tục hướng lên và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh cho thấy xác suất VN-Index điều chỉnh mạnh và bất ngờ là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, hai chỉ báo này đang ở mức cao nên có thể diễn biến rung lắc sẽ xảy ra mạnh hơn khi VN-Index tiếp tục hướng lên vùng điểm 1.280.
“Nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng những nhịp rung lắc nếu có quanh vùng 1.250 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn, trong đó đáng chú ý ở thời điểm hiện tại là nhịp hồi phục của các cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm giá sâu so với thời điểm đầu năm nay như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản,...”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.