Sốt được định nghĩa khi thân nhiệt đo ở nách lớn hơn 37,5 độ C. Sốt là một diễn biến sinh lý bình thường của cơ thể đối với bệnh, nhằm hỗ trợ chống lại bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh. Trên quan niệm y học, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể đối với bệnh.
Sốt có thể do nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là do nhiễm trùng, trong đó siêu vi là nhóm nguyên nhân chính gây ra.
Ảnh: medicalnewstoday |
Có nên hạ sốt hay không?
Sốt là phản ứng có lợi cho cơ thể nhưng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Sốt liên quan tới việc gia tăng tốc độ chuyển hóa, tiêu thụ O2, sản xuất CO2 và nhu cầu của hệ tim mạch - hô hấp.
Lo lắng rất lớn ở nhiều người là sốt cao gây co giật, nhất là với trẻ em. Do đó nên tìm mọi cách hạ sốt để tránh sốt cao co giật. Tuy nhiên các nghiên cứu chứng minh rằng việc giảm sốt không làm giảm nguy cơ cơ co giật.
Khuyến cáo dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ đo ở nách trên 38,5 độ C với mục tiêu chính là giúp cơ thể thoải mái hơn, giảm đau, giảm khó chịu và tránh mất nước.
️Phương pháp hạ sốt nào là tốt nhất?
Mỗi gia đình nên có một nhiệt kế đo thân nhiệt để xác định nhiệt độ cơ thể khi bị sốt.
Acetaminophen (paracetamol) có hiệu quả trong việc hạ sốt và giảm đau, khó chịu. Dùng thuốc khi sốt cao trên 38,5 độ C.
Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi.
Uống nước nhiều và thường xuyên.
Các nghiên cứu cho thấy việc lau mát đem lại lợi ích rất ngắn hạn và không đáng là bao so với thuốc hạ sốt, làm gia tăng sự khó chịu.
Khi nào nên đến bác sĩ để thăm khám?
- Sốt đi kèm với một số triệu chứng nghiêm trọng như nôn ói hoặc tiêu chảy kéo dài, tiểu đau, tiểu máu, ho có đờm hoặc dịch nhầy, đau đầu nghiêm trọng, cổ cứng, buồn ngủ và nôn, hoặc sau một tai nạn, chấn thương.
- Sốt 2 ngày liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt tại nhà, đặc biệt không có bất kỳ dấu hiệu nào đi kèm ngoại trừ sốt.
- Xuất hiện các chấm xuất huyết hoặc phát ban.
- Khi có bất kỳ lo lắng bất an nào mà bạn không yên tâm.
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy