Ngày 19-9, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65). Nghị định có hiệu lực từ ngày 16-9.
Nhiều quy định mới
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 65 là bổ sung các điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, hồ sơ chào bán TPDN bao gồm: kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ ngày 1-1-2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Xếp hạng tín nhiệm DN được giới chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển lành mạnh thị trường TPDN. Làm rõ hơn quy định mới này, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết không phải tất cả trường hợp DN phát hành trái phiếu riêng lẻ đều phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, mà tùy theo từng trường hợp được quy định tại khoản 2 điều 19 và khoản 3 điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Ví dụ, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm khi tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.
Theo ông Dương, sở dĩ quy định một số trường hợp cụ thể bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm mà không yêu cầu toàn bộ là căn cứ trên năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay. Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện có 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được Bộ Tài chính cấp phép, thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này sẽ tiếp tục cấp phép cho 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
"Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, một số tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới đã bày tỏ mong muốn được hoạt động tại Việt Nam, bằng nhiều cách, họ đang tìm hiểu thị trường của Việt Nam" - ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về quy định mới bổ sung kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng dù chỉ mới quy định một số trường hợp cụ thể phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm nhưng rõ ràng đây là một bước tiến quan trọng để tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành. Theo luật sư Hà, trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ có thêm kênh thông tin để đánh giá về trái phiếu, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, luật sư Hà băn khoăn về hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay ở Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu của thị trường hay chưa. Việc này, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, cơ quan quản lý cần tính toán, đưa ra lộ trình cụ thể bởi thị trường TPDN hiện nay phát triển mạnh, quy mô tăng. Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát việc xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan.
Các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều vi phạm trong phát hành TPDN riêng lẻ
Nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư
Một trong những nội dung mới, nổi bật khác của Nghị định 65 là đã bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ. Cụ thể, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Nghị định mới cũng đã bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Theo đó, đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc DN phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ DN phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.
"Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay.
Ngoài ra, các quy định về cơ chế quản lý, giám sát cũng đã được hoàn thiện hơn tại Nghị định 65. Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (UBCKNN), cho biết đã bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.
"Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, UBCKNN sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số DN phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập" - ông Điền nhấn mạnh.
Mua trái phiếu trước hạn
Nghị định mới cũng yêu cầu trách nhiệm của DN phát hành, trong đó bổ sung quy định DN phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Trước và sau khi phát hành, DN phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm...