Bộ Xây dựng vừa chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 4 Tổng công ty gồm: Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) sang Tổng công ty SCIC.
Giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tại 4 doanh nghiệp được chuyển giao là 5.876,8 tỷ đồng.
Tên doanh nghiệp | Vốn điều lệ (tỷ đồng) | Vốn nhà nước (tỷ đồng) | Tỷ lệ (%) | Cổ phần nhà nước nắm giữ (triệu) |
VNCC | 357,74 | 312,38 | 87,32 | 31,24 |
FiCO | 1.270 | 509 | 40,08 | 50,9 |
Sông Đà | 4.495,37 | 4.485,96 | 99,79 | 448,6 |
VIWASEEN | 580,19 | 569,5 | 98,16 | 56,95 |
Trong báo cáo gửi Thủ tướng gần đây, Bộ Xây dựng cho biết cuối năm 2015, Bộ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 16 Tổng công ty.
Trong đó, 9 Tổng công ty – trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm: Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Cơ khí xây dựng (COMA), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Sông Đà, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và Xi măng Việt Nam (VICEM).
7 Tổng công ty – công ty cổ phần là: Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Sông Hồng, Bạch Đằng, Viglacera, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Xây dựng Hà Nội (HANCORP), Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi).
Đến hết tháng 6/2020, số doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng sở hữu phần vốn Nhà nước giảm còn 13. DIC và Xây dựng Bạch Đằng đã được thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước, còn Licogi đã được chuyển giao về SCIC. Trừ HUD và VICEM, 11 doanh nghiệp còn lại đều được cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty.
Phương Ánh (Vnexpress)