“Tắc” ở yếu tố con người
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS VN, những năm trở lại đây, số lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường liên tục sụt giảm ở hầu hết các tỉnh thành, nhất là TP.HCM. Cả quý chỉ có 1 dự án như nói trên là ví dụ điển hình. Trong đó, chủ yếu là các dự án nhà ở bị mắc kẹt thủ tục hành chính; các dự án có dính đến quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… thì không thể hoàn thành được các thủ tục đầu tư xây dựng khi một số quy định pháp luật chưa đồng bộ, thiếu hợp lý. Nếu giải quyết được những điểm nghẽn về pháp lý, tháo gỡ được ách tắc cho các dự án này thì nguồn cung sẽ cải thiện rất nhiều, góp phần giảm giá nhà, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. “Từ tháng 5.2020 có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025, nhưng trong hơn 1 năm qua chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí”, ông Đính nói.
Nguồn cung bất động sản khan hiếm do hàng trăm dự án bị tắc. ĐÌNH SƠN
Ông Phan Viết Nuôi, đại diện Công ty Vạn Xuân, cho rằng luật pháp hiện nay đã “lằng nhằng” rồi cộng với việc cán bộ không dám vận dụng quy định pháp luật để giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp (DN) khiến dự án triển khai đã chậm lại càng chậm. Hiện đang tắc ở tất cả các khâu, các bước chứ không riêng ở khâu nào. Sở ngành nào cũng bị vướng đến chuyện pháp luật chưa rõ ràng nên cán bộ “ngập ngừng” không dám trình, không dám ký. “Việc gì luật quy định rõ mới làm còn 50 - 50 thì không dám xử lý. Không chỉ TP.HCM mà Bình Dương, Đồng Nai… cũng vướng. Hiện nay cán bộ sợ nhất là trách nhiệm trước pháp luật nên không mạnh tay như trước. Nếu trước đây có những điều luật Đất đai không quy định, nhưng có quy định trong luật Đầu tư hoặc ngược lại thì cán bộ có thể vận dụng linh hoạt 1 trong 2 luật để xử lý hồ sơ cho DN. Nay thì không, quy định phải chuẩn 100% mới dám làm, nên hồ sơ bị ngâm rất lâu. Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất lúc này là yếu tố con người”, ông Nuôi cho biết.
Chỉ cần gỡ vướng mắc, doanh nghiệp sẽ bật dậy
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thông tin chỉ riêng TP.HCM có tới hơn 100 dự án tồn đọng. Mỗi dự án vướng khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau nên rất mất thời gian. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển. “Thị trường có khả năng tự phục hồi nên DN BĐS không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt”, ông Châu nói và phân tích, thời gian qua, Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho cộng đồng DN một cách thiết thực. Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 406 quyết định miễn, giảm thuế... Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Nếu làm được như năm 2013 qua cơ chế cấp bù lãi suất thì 1 đồng cấp bù lãi suất có thể huy động thêm hơn 30 đồng... Thế nên, sớm quyết định, ban hành để tạo điều kiện cho DN, nhất là cho người mua nhà. “Cuối năm 2020, đất công xen cài được tháo gỡ. Nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm khi đến nay TP.HCM vẫn chưa ban hành quyết định. Có những quy trình về đầu tư xây dựng TP đã chỉ đạo sở ngành xây dựng, tuy nhiên nay vẫn chưa làm nên hồ sơ dự án bị tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu vừa do thể chế và thực thi pháp luật”, ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), khẳng định nhiều chính sách đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan. Riêng lĩnh vực liên quan Bộ Xây dựng, Cục đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trong đầu tư kinh doanh BĐS. Cụ thể, nhóm nghị định liên quan hướng dẫn luật Xây dựng sửa đổi có Nghị định 06, Nghị định 09, Nghị định 10... tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69... Cuối năm 2021, có thể ban hành nghị định quy định chi tiết luật Kinh doanh BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS.
“Có thể nói, chưa có giai đoạn nào mà trong thời gian ngắn, hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ dù còn vướng mắc cần được tháo gỡ tiếp. Ngoài quy định pháp luật ban hành thì công tác tổ chức triển khai, thực hiện của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng rất quan trọng. Có thể quy định pháp luật sửa đổi tốt rồi, nhưng hệ thống pháp luật phức tạp, nhiều đạo luật chi phối nếu không phối hợp tốt thì hiệu quả không đạt 100%”, ông Khởi thông tin và cho rằng: Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói. Sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực tế cho thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ.
Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS chịu tác động của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh BĐS đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại (không phải làm nhà ở). Cho phép chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án nhưng đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng. Ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo kinh doanh BĐS minh bạch và lành mạnh.
Theo Đình Sơn (báo Thanh Niên)