Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội chiều 6/6 đưa ra quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng. Việc siết lại quy định này, theo giải thích của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, là lấp kẽ hở luật hiện hành doanh nghiệp phát hành với giá trị rất lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn rủi ro với các nhà đầu tư.
Với chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, ông Dũng cho biết, luật hiện hành chưa quy định điều kiện về đối tượng tham gia, hạn chế chuyển nhượng. Cho nên, thực tế có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chào bán cổ phiếu riêng lẻ thay vì chào bán chứng khoán ra công chúng, để tránh phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Dự thảo luật cũng đưa ra quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ. Theo Bộ trưởng Tài chính, vốn công ty đại chúng 10 tỷ đồng trở lên là thấp so với quy mô doanh nghiệp hiện nay. Ông dẫn thống kê cho biết, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đã tăng 16,35 lần trong 10 năm qua. Mặt khác, các công ty đại chúng vốn quá nhỏ sẽ khó khăn khi hoạt động trên thị trường chứng khoán.
"Vốn công ty đại chúng quá nhỏ như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng nhiều công ty đăng ký công ty đại chúng, nhưng sau một thời gian lại nộp hồ sơ đăng ký hủy tư cách công ty đại chúng, gây khó khăn trong quản lý", ông Dũng nêu bất cập. Vì lẽ đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đưa ra quy định tăng vốn điều lệ tối thiểu công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ.
Thẩm tra các quy định này, đa số ý kiến của thành viên Uỷ ban Kinh tế đồng tình tăng vốn điều lệ công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có hơn 81% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến lại không đồng tình việc tăng vốn công ty đại chúng, do e ngại đây sẽ là rào cản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vốn trên thị trường chứng khoán. Vì lẽ đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội về quy định này.
Dự luật sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ được thảo luận ở hội trường ngày 13/6.
Anh Minh (vnexpress.net)