Theo thống kê từ FiinGroup, giá trị giao dịch bình quân ngày trên cả hai sàn niêm yết HoSE, HNX và thị trường UPCoM năm 2019 giảm 28,9%. Khối lượng giao dịch bình quân cũng giảm 15,9% so với năm 2018. Đây là mức giảm mạnh và xuống thấp hơn cả mức thanh khoản năm 2017 trước khi VN-Index bật mạnh trở lại.
Xét theo loại giao dịch, khớp lệnh giảm mạnh nhất với 33,5%, đạt bình quân chỉ 3.500 tỷ đồng mỗi phiên. Trong khi đó, giá trị giao dịch theo hình thức thỏa thuận giảm nhẹ 10,8%, xuống mức 1.200 tỷ đồng.
Thanh khoản trung bình của thị trường năm 2019 là mức thấp nhất trong ba năm gần đây. Ảnh: FiinPro
Theo nhóm phân tích FiinGroup, thanh khoản năm 2019 sụt giảm do ba nguyên nhân chính. Đầu tiên, dòng tiền của khối ngoại vào chứng khoán Việt Nam năm qua rất thấp. Cả năm 2019, khối ngoại mua ròng 7.300 tỷ đồng, nhưng riêng mã VIC đã chiếm tới 5.000 tỷ, phần còn lại của thị trường chỉ còn 2.300 tỷ, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.
"Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến giá trị giao dịch trên sàn, bởi theo phân tích số liệu thì dòng tiền của khối ngoại thường là đối trọng với dòng tiền hoặc nguồn cung cổ phiếu của các nhà đầu tư trong nước", báo cáo của nhóm phân tích dữ liệu FiinPro viết.
Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam năm 2019 ước đạt hơn 2,7 tỷ USD. Với giao dịch ròng trên sàn chứng khoán ở mức thấp, số liệu cho thấy dòng tiền của khối ngoại có thể đã chảy vào kênh trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt là các giao dịch phát hành riêng lẻ, hợp tác chiến lược hoặc vốn M&A mua cổ phần.
Nguyên nhân thứ hai là sự "biến mất" của dòng tiền khối nhà đầu tư trong nước. Theo nhóm phân tích, rất khó để theo dõi được dòng tiền này bởi phụ thuộc vào các yếu tố gián tiếp như tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là diễn biến của các kênh đầu tư thay thế. Năm vừa qua, một lượng tiền lớn đã chảy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, với 135.000 tỷ đồng (khoảng 5,8 tỷ USD) được chính các công ty đại chúng trên sàn huy động từ kênh trái phiếu.
Nguyên nhân thứ ba là thanh khoản của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào cơ hội đầu tư sẵn có hoặc mới xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các yếu tố "cung hàng" này thì năm 2019 thật sự là một năm kém sôi động.
Năm qua hầu như không có thương vụ IPO nào lớn của doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong tổng số 73.400 tỷ đồng huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán thì có đến 56.800 tỷ là phát hành riêng lẻ. Số tiền huy động qua IPO chỉ đạt 600 tỷ đồng, cũng là mức quá thấp so với con số 73.700 tỷ năm 2018 và 32.400 tỷ năm 2017.
Nhà đầu tư giao dịch tại một công ty chứng khoán. Ảnh: Hữu Khoa
Triển vọng 2020 ra sao?
Thị trường đầu năm 2020 vẫn chứng kiến thanh khoản thấp với giá trị giao dịch bình quân hàng ngày chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ trong 8 phiên đầu năm. Dù vậy, nhóm phân tích cho rằng thanh khoản năm nay sẽ cải thiện đáng kể nhờ sự trở lại của dòng vốn ngoại và tính hấp dẫn của kênh chứng khoán.
Theo đó, dòng vốn ngoại dự báo sẽ tăng trở lại dựa trên vĩ mô ổn định và sự hấp dẫn từ định giá thấp của thị trường Việt Nam. Ngoài ra, đầu tư ETFs mặc dù có xu hướng thoái trào trên thế giới nhưng với Việt Nam, quy mô các quỹ ETFs vẫn tăng. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư danh mục quốc tế cũng như dòng tiền khối ngoại mang tính "đầu cơ" có thể tham gia sớm nhằm đón đầu triển vọng nâng hạng thị trường. Thực tế này đã được quan sát từ một số đợt nâng hạng gần đây ở một số thị trường trong khu vực.
Xét về sự hấp dẫn, trong bối cảnh chứng khoán đã xuống mức rất thấp so với tương quan lợi nhuận doanh nghiệp, kênh đầu tư này đang trở nên hấp dẫn hơn. Thực tế, mức định giá P/E hiện tại của thị trường đã về ngưỡng 15,5 lần, là mức tương đương khi VN-Index ở tầm 700 điểm trước khi tăng mạnh vào giữa năm 2017.
Minh Nhật (Vnexpress)