Khảo sát của VTC News tại nhiều địa phương cho thấy, giá heo hơi tại các trang trại, chợ đầu mối dao động từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, tại "thủ phủ" nuôi heo lớn nhất miền Bắc là xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giá heo hơi xuất chuồng đạt 47.000 đồng/kg loại 1 và 46.000 đồng loại 2 trở xuống.
Không chỉ tại Hà Nam, mà tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vũng Tàu... giá heo hơi cũng chỉ giao dịch trong mức giá này.
Trả lời VTC News về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá heo hơi xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu thiêu thụ thịt heo giảm mạnh. Cùng với đó lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt heo giảm đáng kể.
“Ở Việt Nam hiện có khoảng 27- 28 triệu con heo/100 triệu dân thì không thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Nhưng thời gian qua sức mua giảm do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới nên đã tác động tiêu cực tới việc thiêu thụ thịt heo”, ông Thắng nói.
Nêu ví dụ giá heo hơi ở một số nước trên thế giới đang trên đà suy giảm mạnh, ông Thắng cho biết, Trung Quốc giá heo hơi hơn 1 tháng qua giảm từ 86.000 đồng/kg xuống 54.000 đồng/kg, Mỹ, Mexico, Brazil giảm từ 43.000 đồng xuống 31.500 đồng/kg.
Ông Thắng cho biết, với giá heo hơi 47.000 – 49.000 đồng/kg thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ, còn các trang trại khép kín thì có lãi không đáng kể. Nhưng do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, quy luật thị trường.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, giá heo hơi xuống thấp như hiện nay là do quy luật cung cầu. Người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên đã cắt giảm chi tiêu bằng việc chuyển sang các loại thực phẩm khác thay thế với giá rẻ hơn.
Cũng theo ông Long nhẩm tính, với giá heo hơi xuống thấp như hiện nay thì mỗi con heo khoảng 140kg người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ thua lỗ 500.000 – 700.000 đồng. Điều đáng nói, giá heo hơi thấp, nhưng giá thịt heo tại các siêu thị và chợ dân sinh vẫn cao, trung bình từ 90.000 – 205.000 đồng/kg tuỳ loại. Nguyên nhân muôn thuở vẫn là thịt heo phải qua quá nhiều khâu trung gian nên bị đẩy giá. "Cần phải xem lại khâu tổ chức, cắt bớt các khâu trung gian để giảm bớt bất lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng", ông Long nói.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu, giá tăng đột biến
Trước việc giá heo hơi xuống thấp, người nông dân không mặn mà tái đàn, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá heo hơi sẽ tăng đột biết từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023 là điều rất dễ xảy ra.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, vì thua lỗ kéo dài dẫn đến cụt vốn, người chăn nuôi sẽ không tái đàn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu heo hơi trong thời gian từ tháng 8 đến cuối năm, kéo theo giá heo hơi tăng đột biến là điều khó tránh khỏi. Do vậy các cơ quan chức năng như ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Để ổn định thị trường, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định với VTC News, không có người dân, doanh nghiệp nào biết sản xuất thua lỗ kéo dài mà vẫn làm. Do vậy, việc người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn là điều tất yếu.
“Nếu người chăn nuôi không tái đàn thì trong vài tháng tới, nguồn cung thịt heo trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thiếu thịt heo là điều rất dễ xảy ra. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến giá heo hơi có nguy cơ sẽ tăng đột biến. Khi đó thì chúng ta chỉ còn cách nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc hoặc thịt heo đông lạnh từ Nga hoặc Ấn Độ và sẽ phục thuộc hoàn toàn vào những thị trường này”, ông Doanh cảnh báo.
Tương tự, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: “Việc người chăn nuôi không tái đàn thì giá đắt lên là điều tất yếu, đó là quy luật cung cầu, thiếu thì giá tăng, thừa thì giá rẻ. Do vậy, để hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cũng như khủng hoảng thiếu thì các bộ, ngành, doanh nghiệp, siêu thị phải cùng bàn cách hỗ trợ người chăn nuôi. Giải pháp là phải tăng sức mua, kéo giảm giá thịt bán lẻ tại các siêu thị, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn, giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chế biến thức ăn gia súc. Phải chia sẻ với cộng động để các khâu trung gian hạn chế "ăn dày" thì mới có thể tháo gỡ được”, ông Phú nói.
Nói về các giải pháp để hỗ trợ người chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, Cục đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời đang phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng tăng cường các giải pháp khoa học để chế biến sâu, giảm chi phí đầu vào, kết nối cung cầu, đẩy mạnh sản xuất.
“Cục đã khảo sát và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ, Thủ tướng giảm thuế để hỗ trợ người chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi, tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn này”, ông Thắng nói.