Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo dự báo khối lượng giao dịch khách sạn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tăng 25-30% hàng năm với giá trị lên đến hơn 11 tỷ USD trong năm 2019.
Ông Adam Bury, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn Khách sạn của JLL nhận định, mặc dù có môi trường kinh tế khá thận trọng và phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị, lãi suất trái phiếu có chiều hướng giảm, hiệu suất đầu tư khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương lại khá hấp dẫn nhờ vào nhu cầu du lịch bùng nổ.
Nhu cầu đầu tư phân khúc khách sạn trong năm nay đã được các quỹ đầu tư, các công ty phát triển bất động sản và nhà đâu tư trong nước đón nhận. Điều này khiến năm 2019 có thể trở thành năm giao dịch cao thứ ba trong thập kỷ qua. Đến nay, chỉ có năm 2017 và năm 2015 đã vượt qua ngưỡng 11 tỷ USD.
Tại Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi của khu vực châu Á Thái Bình Dương, diễn biến của các hoạt động M&A khách sạn ghi nhận có nhiều tiến triển trong 10 tháng qua. Giao dịch thành công nổi bật trên thị trường trong năm này ghi nhận khu nghỉ dưỡng Ho Tram Grand Strip đã được bán cho quỹ đầu tư Warburg Pincus.
Kế đến Tập đoàn Berjaya chuyển nhượng thành công 75% cổ phần của Công ty TPC Nghi Tam Village sở hữu khách sạn Intercontinental trị giá hơn 53,4 triệu USD cho Công ty TNHH Phát triển du lịch khách sạn Hà Nội. Gần đây nhất, một giao dịch khách sạn 5 sao khách tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa cũng hoàn tất vòng tư vấn đàm phán.
Thị trường khách sạn Nha Trang, Việt Nam, được điểm danh trong báo cáo về lượng giao dịch khách sạn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: JLL
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường đầu tư khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương đã chứng kiến khoản đầu tư khách sạn trị giá 7,8 tỷ USD trong khu vực. Tại Nhật Bản với một loạt các sự kiện lớn như World Cup bóng bầu dục 2019, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và Hội nghị triển lãm quốc tế năm 2025,tính đến nay, quốc gia này đã đạt gần 3 tỷ USD khối lượng giao dịch.
Những sự kiện thể thao và kinh tế trên sẽ thúc đẩy nhu cầu lưu trú và các nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng làn sóng này để khai thác cơ hội. Nhật Bản là thị trường có hiệu suất hoạt động khách sạn cao hàng đầu trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD về khối lượng giao dịch trong năm nay.
Tại Trung Quốc, vì nhu cầu thuê văn phòng và thị trường bán lẻ sụt giảm đã khiến các nhà đầu tư chú ý tới phân khúc khách sạn, nơi hiệu quả giao dịch đã có dấu hiệu phục hồi.
Ở một số các nước khác trong khu vực như Singapore đã chứng kiến các giao dịch mang tính bước ngoặt trong năm nay. Vào tháng 9, Công ty OUE có thỏa thuận bán tòa nhà căn hộ khách sạn Oakwood Premier OUE Singapore cho một liên doanh Hong Kong với giá trị 209 triệu USD. Gần đây nhất, thỏa thuận mua bán khách sạn Andaz Singapore trị giá 344 triệu USD được hoàn tất , đây là giao dịch tài sản khách sạn lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thành phố quốc đảo sư tử này.
JLL dự báo thị trường mua bán tài sản là khách sạn đã đi vào khai thác vận hành đang là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư FDI khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương và có thể tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Sự bùng nổ của ngành du lịch tại các thị trường mới nổi, trẻ trung này chính là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường khách sạn phát triển mạnh nhất trong thập kỷ qua.
Điều đáng chú ý tại thị trường Việt Nam là trong khi phần lớn các nhà đầu tư trong nước quan tâm phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ quỹ đất trống, thì các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt chuộng các tài sản khách sạn đang được vận hành và khai thác dòng tiền ổn định.
Hà Thanh (Vnexpress)