Tuổi 45 là “thời kỳ chuyển tiếp” quan trọng, bước ngoặt của cuộc đời, trong 10 năm từ 46 - 55 tuổi là giai đoạn đặc biệt đối với sức khỏe. Sau 45 tuổi, 3 bộ phận trên cơ thể sau đây càng “sạch” thì bạn càng khỏe mạnh, tuổi thọ càng cao.
Mạch máu “sạch”
Người xưa có câu nói nổi tiếng “con người và mạch máu có chung tuổi thọ” – mạch máu khỏe đến đâu, cơ thể khỏe đến đó. Nếu mạch máu không sạch sẽ, sẽ đẩy nhanh quá trình “lão hóa”, kéo theo sự suy giảm của các hệ thống và cơ quan trong cơ thể.
Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, sự tích tụ “rác” trong mạch máu dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, gây ra các bệnh tim mạch, mạch máu não, thậm chí có thể gây đột quỵ, tử vong sớm. Vì vậy, điều quan trọng là phải giữ cho các mạch máu luôn sạch với những hướng dẫn sau đây.
Thực phẩm: Nên ăn nhiều hơn 5 loại rau mỗi ngày.
Ăn rau củ quả tươi rất có lợi cho sức khỏe mạch máu. Ăn ít nhất 5 loại rau mỗi ngày để giúp củng cố độ bền của mạch máu.
Các loại rau có màu sắc khác nhau chứa các chất dinh dưỡng khác nhau, hàm lượng dinh dưỡng cũng khác nhau, càng ăn nhiều loại rau thì chất dinh dưỡng càng được hấp thụ toàn diện hơn. Rau chứa vitamin C, anthocyanin, chất xơ... mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, rất có lợi cho việc chống oxy hóa, thải rác ra ngoài, duy trì độ đàn hồi của mạch máu.
Đồ uống: Trà thảo mộc
Nước đun sôi và chè tươi là những chất giúp làm loãng máu tốt nhất. Uống trà thường xuyên có thể bổ sung chất lỏng trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm mỡ và giải độc, ngăn ngừa đông máu. Nước chè xanh có thể làm giảm diện tích mảng xơ vữa động mạch và giúp cải thiện tình trạng mỡ máu cao. Trà lá sen cũng là loại nước uống có thể cải thiện độ nhớt của máu, rất có lợi để ngăn ngừa và cải thiện độ nhớt của máu.
Bài tập: Thực hiện việc xoay mắt cá chân thường xuyên
Bài tập xoay mắt cá chân có thể đóng vai trò giống như máy bơm máu thông qua chuyển động của khớp mắt cá chân, tăng cường lưu thông máu của các chi dưới, có lợi cho sức khỏe của các mạch máu.
Cách làm: Mở rộng hai đầu gối một cách tự nhiên, dùng hết sức để móc/co bàn chân lên trong 10 giây rồi dùng hết sức để duỗi bàn chân thẳng về phía trước, lặp lại bài tập, miễn không gây đau, bạn có thể làm càng nhiều lần càng tốt. Mỗi khi móc và duỗi chân, bạn nên cố gắng đạt đến biên độ tối đa, động tác càng chậm và mềm càng tốt, đồng thời thực hiện bằng cả hai chân thì hiệu quả tốt hơn.
Phổi “sạch”
Phổi là bộ phận cơ thể được đông y coi là chủ khí, giúp con người hít thở, do đó chất lượng khí hít vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phổi. Trong môi trường sống của chúng ta, ô nhiễm không khí, khói bếp, khí khuếch tán từ đồ trang trí, khói thuốc... sẽ tác động hoặc gây hại cho phổi, làm cho phổi bị bẩn, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, có thể sinh ra nhiều bệnh khác nhau và gây hại cho sức khỏe tổng thể. Do đó, hãy áp dụng các lời khuyên sau đây.
Thực phẩm: Nên ăn các thực phẩm có màu trắng. Ăn nhiều thực phẩm màu trắng có thể làm ẩm và nuôi dưỡng phổi rất tốt. Các thực phẩm màu trắng như khoai mỡ, khoai từ, giúp tăng cường sinh lực cho trung tiêu, bổ sung sinh lực cho khí, thông tai và mắt, tăng cường khí và dưỡng âm, tăng cường sinh lực cho lá lách, phổi và thận…
Nấm ngân nhĩ, nấm màu trắng, có tác dụng dưỡng khí và huyết, dưỡng âm khí, dưỡng phổi và dạ dày, bồi bổ cơ thể, củng cố sức mạnh cơ bắp.
Quả lê, có thể làm ẩm phổi và sản xuất dịch cơ thể, giảm ho và giải đờm. Củ sen giúp thanh nhiệt trừ hỏa, làm ẩm phổi, giảm ho, thanh nhiệt phổi.
Đồ uống: Trà thảo mộc
Phổi vốn thích ẩm, ghét khô, uống nhiều trà có thể làm ẩm phổi và thúc đẩy sự vận hành chất lỏng trong cơ thể, thúc đẩy quá trình giải độc phổi, rất có lợi cho chức năng phổi và sức khỏe tổng thể. Sâm ngọc linh, được mệnh danh là “kháng sinh tự nhiên” có thể giúp kháng viêm, cải thiện tình trạng viêm họng, viêm amidan… là thực phẩm tốt cho việc dưỡng âm, bổ phế, cải thiện tình trạng khô họng, ho khan và bớt long đờm.
Bài tập: Gõ/vỗ vào vùng lưng nơi huyệt Phế du
Huyệt Phế du là điểm gặp nhau của đường ngang qua mỏm gai đốt sống lưng 3 và đường thẳng đứng ngoài Đốc Mạch 1,5 thốn, khi điểm huyệt ngồi khom lưng. Vỗ hoặc gõ nhẹ vào các huyệt Phế du để làm giãn khí trong lồng ngực, tống đờm ra khỏi cơ thể, giúp phổi khỏe mạnh.
Cách làm: Ngồi thẳng lưng, mắt hơi nhắm, hai tay nắm lại thành nắm đấm và đánh dọc lưng, từ dưới lên trên, rồi từ trên xuống dưới, cứ tiếp tục như vậy. Đầu tiên đánh chính giữa lưng, sau đó đánh hai bên trái phải, cứ như vậy từ 3 đến 4 lần. Khi vỗ vào lưng nên từ 5 đến 10 lần, kết hợp từ từ nuốt dịch (nước bọt) vài lần.
Đường ruột “sạch”
Người xưa có câu: “Muốn sống lâu thì trước hết phải làm cho đường ruột sạch”. Đường ruột sạch sẽ là nền tảng tốt cho tuổi thọ. Chúng ta ăn uống thiếu lành mạnh lại còn ăn quá no, chắc chắn sẽ dẫn đến tích tụ chất độc trong ruột và gây ra tình trạng “bẩn”.
Ngoài ra, theo tuổi tác, chức năng tiêu hóa suy giảm, lợi khuẩn trong đường ruột giảm cũng sẽ dẫn đến đường ruột không sạch sẽ. Các chuyên gia chỉ ra rằng 90% bệnh tật của con người đều liên quan đến đường ruột không đủ sạch sẽ.
Thực phẩm: Cách làm cho đường ruột sạch đầu tiên là nên ăn rau chân vịt/cải bó xôi.
Cải bó xôi có thể thanh nhiệt, loại bỏ độc tố trong dạ dày, cải thiện tình trạng táo bón, làm cho bạn có thần thái làn da trở nên rạng rỡ hơn. Loại rau này được mệnh danh là “công nhân vệ sinh đường ruột” có thể giúp loại bỏ nhiệt và chất độc trong dạ dày, ruột.
Có nhiều cách để ăn rau chân vịt, có thể chần qua nước sôi rồi trộn với gia vị để làm món gỏi nguội, món rau trộn đặc biệt có tác dụng chữa bệnh tốt khi kết hợp thêm với đậu đỗ.
Đồ uống: Nên sử dụng nước đun sôi thông thường. Nước là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ cho đường ruột sạch sẽ và được bôi trơn hiệu quả. Uống nhiều nước hơn có thể làm giảm quá trình tạo và bài tiết khí có hại trong đường ruột, từ đó mang lại lợi ích cho sức khỏe đường ruột.
Nước đun sôi nên để nguội ở khoảng 35-40°C là lựa chọn tốt nhất. Tích cực uống nước và bổ sung đủ nước để ruột già luôn sạch sẽ, ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng.
Bài tập: Vỗ và xoa bóp vùng quanh thắt lưng. Xoa bóp vùng hốc bụng ngang rốn. Hai bên thắt lưng là nơi kinh mạch đi qua, thường xuyên vỗ nhẹ có thể nâng cao khả năng giải độc, cải thiện chứng táo bón. Nắm tay lại như nắm đấm và xoa vỗ nhẹ vào hai bên thắt lưng, 300 lần mỗi ngày.
Khi thực hiện những việc đơn giản này hàng ngày, bạn sẽ có cơ thể sạch từ bên trong và trở nên khỏe mạnh hơn theo thời gian, từ đó có thể nâng cao thể chất và tuổi thọ.
theo CTV BẢO CHÂU(VOV.VN)